Kết thúc tháng 4 đầy biến động, chỉ số VN-Index mất 8,4%. Ở phía cung, lực bán quá mạnh mẽ do hàng loạt thông tin bất lợi. Ở phía cầu, lực mua không tìm được điểm tựa để phục hồi khi tin tức hỗ trợ thiếu vắng.

Giới chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình "gạn đục khơi trong", điều chỉnh về giá trị thực; nhưng trong ngắn hạn tiềm ẩn cơ hội bắt đáy còn về dài hạn, triển vọng tăng trưởng rất tốt.

Ở bên kia bán cầu, thị trường chứng khoán Mỹ - thị trường tham chiếu trực tiếp và có tác động nhất định với chứng khoán trong nước - thời gian qua liên tục biến động mạnh. Sự sụt giảm của các chỉ số trên sàn New York được dẫn dắt bởi lực bán tháo trong bối cảnh tâm lý thị trường suy yếu khi xung đột Nga - Ukraine và chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc làm gia tăng mối quan ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. 

"Bóng ma” tâm lý trên phố Wall trở nên to lớn hơn trong những ngày gần đây khi Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP quý I ở mức -1,4%, lạm phát tháng 3 ở mức 8,5%, cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) kỳ vọng dập tắt lạm phát bằng một lộ trình siết chính sách tiền tệ mạnh tay, nỗi lo suy thoái đang gây sức ép lên tâm lý thị trường.

3 chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tháng 4 (Ảnh: The Washington Post)

Kết thúc tháng 4, Nasdaq Composite mất 12%, S&P 500 mất hơn 7% và Dow giảm gần 4%. Hiện Nasdaq đang tụt khoảng 23% so với mức đỉnh kỷ lục trong khi S&P 500 thấp hơn đỉnh 13% và Dow Jones thấp hơn đỉnh khoảng 10%. Chỉ tính riêng phiên 29/4, Nasdaq Composite bay hơi 4,2%, S&P 500 giảm khoảng 3,6% trong khi Dow Jones mất 2,8%, tương đương 940 điểm.

Ở một góc độ lạc quan, một số chuyên gia nhận định với MarketWatch rằng lạm phát tại Mỹ có thể đã đạt đỉnh vào tháng 3 và đang hạ nhiệt; và rằng thị trường chứng khoán Mỹ có lẽ đã tìm thấy đáy.

Ông Art Hogan, chiến lược gia thị trường tại National Securities nhận định rằng những khoảnh khắc thị trường tụt sâu như hiện nay là một “bài kiểm tra” tâm lý nhà đầu tư, và rằng thời điểm hiện tại có thể là đêm đen ngay trước bình minh. “Chúng tôi cho rằng thị trường đang ở hoặc đã ở rất gần nơi tăm tối nhất”.

Theo quan điểm của vị này, những động lực tích cực có thể đến khi thị trường tập trung vào kế hoạch tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát của FED. “Cần nhớ lại rằng khi trước đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED vào tháng 3, thị trường cũng bán tháo mạnh mẽ nhưng rồi lại phục hồi 10% sau khi tăng lãi suất. Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy phản ứng thị trường tương tự sau cuộc họp 4/5 tới”, ông Hogan nhận định.

Nhìn về dài hạn, ông Thomas Muñoz , cố vấn tài chính tại công ty tư vấn thị trường Telemus cho hay: “Sự biến động trong ngắn hạn rõ ràng là một yếu tố tác động lớn đến nhà đầu tư. Nhưng nếu bạn nhìn vào lịch sử thị trường trong một cái nhìn xa hơn, thị trường chứng khoán sẽ đi lên”.

Ở trong nước, sau năm 2021 thăng hoa, chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay liên tục biến động với biên độ giảm đáng kể trong tháng 1 và tháng 4.

Kết thúc phiên giao dịch hôm 29/4, VN-Index dừng ở 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với thời điểm đầu tháng và là mức giảm tháng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2020 đến nay.

Trong tháng, chỉ số cũng ghi nhận chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp từ 16-21/4, chuỗi giảm dài nhất của VN-Index kể từ tháng 6/2020 đến nay. Trong khi đó, tình hình thanh khoản không có dấu hiệu cải thiện ngay cả trong những phiên VN-Index giảm sâu kỷ lục.

VN-Index mất hơn 8% trong tháng 4 (Ảnh: TradingView)

Áp lực bán - nhất là những mã đầu cơ - đến từ nhiều thông tin tiêu cực trên thị trường, trong khi thông tin tích cực để vực dậy niềm tin nhà đầu tư thiếu vắng và không tìm thấy yếu tố lấy lại lực cầu. Sự mất cân bằng cung cầu khiến giá cổ phiếu giảm sâu, nhiều mã nằm sàn liên tục, kể cả một số mã trụ cột. Ngoài ra, áp lực bán giải chấp cổ phiếu trên diện rộng càng khiến lực cung tăng vọt, nhất là trong những phiên chiều.

Trước biến động mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong nước, tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế và TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về một số nhận định thị trường trong những tháng tiếp theo.

TS Vũ Đình Ánh:

Hai năm qua, tôi biết rất nhiều người kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index tăng mạnh, nhiều cổ phiếu chứng kiến mức tăng tính bằng lần. Còn việc thị trường giảm sâu trong thời gian gần đây, theo tôi đến từ rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.  

Nguyên nhân thứ nhất, hai năm qua, thị trường chứng khoán ghi nhận số nhà đầu tư mới lập kỷ lục, lượng tài khoản cá nhân đạt đến 4,9 triệu, tức gần 5% tổng dân số. Các kênh đầu tư khác gặp khó do yếu tố dịch bệnh nên sau cùng dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán, mà như thế thì tất nhiên giá tăng. Thị trường tăng quá nóng mà không dựa trên nền tảng thực tế như kết quả hoạt động của doanh nghiệp, có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh hoặc sản xuất lỗ nặng nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. 

Tất nhiên tình trạng này xảy ra ở hầu hết thị trường chứng khoán trên toàn cầu trong giai đoạn 2021-2022 chứ không riêng Việt Nam. Nhưng chắc chắn sau thời gian tăng nóng như vậy, đến một lúc nào đó thị trường phải điều chỉnh lại, trở về giá trị thực. Vấn đề ở đây chỉ là cách thức điều chỉnh ra sao, rơi từ từ hay giảm sốc.

Ngoài ra còn một nguyên nhân khác đến từ một số vụ việc riêng lẻ gần đây và những tin đồn tác động đến tâm lý đầu tư.

Tất cả những yếu tố đó đều đang có xu hướng vùi dập thị trường, nên VN-Index đi xuống là đương nhiên.

TS. Lê Xuân Nghĩa: 

Tôi cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm chỉ số VN-Index trong tuần qua là xu thế suy giảm của chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ. Trong tuần qua, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm sâu, Dow Jones ghi nhận 3 phiên giảm gần 1.000 điểm.

Bên cạnh đó, một số vụ việc riêng lẻ trong thời gian qua, chẳng hạn như các vụ việc vi phạm liên quan đến các tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay Louis cũng gây tác động tâm lý nhất định đến thị trường, đặc biệt là những nhà đầu tư không chuyên; từ đó gây ra lực bán tháo.

Một nguyên nhân khác là niềm tin thị trường suy yếu do lo ngại của nhà đầu tư về những tin tức tiêu cực như lạm phát và rủi ro tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng… Dù vậy, đây là cơ hội thanh lọc thị trường, "gạn đục khơi trong".

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam là cơ hội đầu tư tốt trong dài hạn, có nhiều triển vọng tích cực. Do đó trong tuần, khối ngoại mua vào khá lớn nhưng lượng mua vào của khối này không đủ bù đắp lượng bán ra rất lớn của các nhà đầu tư trong nước.

TS. Vũ Đình Ánh: 

VN-Index đang đi xuống và nhiều khả năng sẽ xuống tiếp vì không có thông tin hỗ trợ. Mặc dù vậy, tôi cho rằng thị trường vẫn có những điểm sáng như tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư mới, quy mô thị trường vượt dự báo và chỉ số VN-Index vẫn nằm trong nhóm tăng hàng đầu trên thế giới.

Còn việc "bắt đáy" lúc này có nên không, liệu có phải là bắt dao rơi hay không, điều đó phụ thuộc vào nhận định và quyết định của nhà đầu tư. 

TS. Lê Xuân Nghĩa: 

Nếu tham khảo cùng lúc tất cả các yếu tố như mức giảm của VN-Index và tổng khối lượng giao dịch… thì tôi cho rằng thị trường sắp đến đáy và có thể phục hồi trở lại, sớm "thấy bình minh" trong một vài tháng tới. 

Ngoài ra, chỉ số P/E hiện cũng đã giảm xuống đâu đó quanh mức 13,5-14 lần, đây là một mức đầu tư thích hợp. Do vậy, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư và khối ngoại có thể sẽ bắt đầu đẩy mạnh mua vào hơn là bán ra trong thời gian tới.

TS. Vũ Đình Ánh:

Để lựa chọn kênh đầu tư, môi trường vĩ mô chỉ là một yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng và mong muốn cá nhân của từng cá nhân và khẩu vị rủi ro của từng cá nhân: có người ưa mạo hiểm, sẵn sàng chơi tất tay nhưng cũng có người lựa chọn đầu tư an toàn, chậm mà chắc. 

Trong số nhà đầu tư còn chia làm ít nhất hai nhóm, một nhóm ôm tiền và một nhóm ôm hàng. Chẳng hạn, ở vị thế người muốn mua, liệu anh có dám dùng đòn bẩy để mua không? Hoặc ở vị thế người bán, khi giá sàn liên tục, anh có dám bán giá sàn hoặc thậm chí “giao dịch trao tay” với giá dưới giá sàn không? 

Vậy nên đưa ra một lời khuyên chung thì rất khó. Tôi chỉ có thể nói từ góc độ hành xử của nhà đầu tư, phải xác định được 3 yếu tố: một là nhận định thị trường, nhận định được tương lai của thị trường, hai là quyết định mua hoặc bán, ba là lựa chọn nguồn lực (chẳng hạn nếu tiền ít thì có quyết định dùng đòn bẩy không). 

TS. Lê Xuân Nghĩa: 

Lời khuyên cho nhà đầu tư còn tùy thuộc vào nguồn lực của họ và nhiều yếu tố khác, nhưng tôi cho rằng sẽ có những cơ hội “bắt đáy”.

Thời gian tới, nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục đầu tư, chuyển sang các cổ phiếu rủi ro thấp. Thường trong lúc thị trường phục hồi thì các cổ phiếu rủi ro thấp tăng trưởng khá nhanh, chứ không tuân theo quy luật rủi ro thấp thì tăng trưởng thấp. Hoặc nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục bằng các cổ phiếu tăng trưởng thuận chu kỳ phục hồi kinh tế như công nghiệp, chế biến chế tạo, du lịch, xây dựng…và các mã cổ phiếu trung tính như y tế, giáo dục, ngân hàng…