Gói kích thích 350.000 tỷ đồng vừa được ban hành: Giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình này.
Theo đó, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ đề ra gồm tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép (trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP), tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Đối tượng hỗ trợ bao gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Theo Báo Chính phủ, thời gian hỗ trợ trong vòng hai năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh, tổng quy mô gói kích thích khoảng 350.000 tỷ đồng. Dưới đây là một số chính sách hỗ trợ đáng chú ý.
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Hỗ trợ ba tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nguồn vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội là 15.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đưa ra gói cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ học sinh sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập.
Các cơ sợ giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch được cho vay mức tổng nguồn vốn hỗ trợ tối đa là 1.400 tỷ đồng.
Nguồn vốn cho vay được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp
Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
Nhóm ngành viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không thuộc diện được áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng mới.
Chính phủ cũng thực hiện giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo phê duyệt của Quốc hội, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 với các trường hợp ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Chính phủ cũng đồng ý hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin...
Nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chính phủ cũng nêu rõ, tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.