Thêm nhiều giám đốc doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh do nợ thuế, cần quy định mới phù hợp thực tiễn?

Đông Bắc 13:40 | 10/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết đã có thông báo gửi Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 4 giám đốc doanh nghiệp do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

 

Nhiều giám đốc doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh

Ngày 10/6, Cục  Thuế tỉnh Bình Định đã ban hành 4 văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Phan Văn Tòng, Giám đốc Công ty CP sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng; bà Phan Bảo Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH may Mai Trang; ông Hồ Xuân Thảo, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Gia Hồ; ông Bùi Tường Huân, Giám đốc Xí nghiệp tư vấn thiết kế và xây dựng Quang Trung - Chi nhánh Công ty CP cơ khí và xây dựng Quang Trung.

Theo Cục Thuế tỉnh Bình Định, tất cả các doanh nghiệp nói trên đều hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bình Định. Theo Cục Thuế tỉnh Bình Định, cả 4 giám đốc đại diện pháp luật của 4 doanh nghiệp nói trên đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

  Nhiều giám đốc doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Ảnh BTC.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Long An cũng đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Lưu Thị Phương Chính (thường trú tại 212/1/8A Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM).

Dữ liệu từ Cục Thuế tỉnh Long An cho thấy, bà Lưu Thị Phương Chính là giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A;  địa chỉ số 3 đường số 12, KDC Làng Sen Việt Nam, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh là do Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A còn nợ ngân sách nhà nước theo Thông báo tiền thuế nợ số 14211/TB-CTLAN-KĐT ngày 8/4/2024 của Cục Thuế tỉnh Long An là 97.466.993.208 đồng.

Nên cấm xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng

Thời gian qua, rất nhiều chủ doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh. Nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh dở khóc, dở cười, khi mọi kế hoạch ký kết ở nước ngoài đã lên, nhưng không được xuất cảnh.

Liên quan đến việc hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nợ thuế mấy trăm nghìn đồng, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng, trước mắt cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.

Về lâu dài, cơ quan thuế có thể xem xét và đánh giá tác động của biện pháp này đến cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp, xem có ảnh hưởng gì đến người đại diện pháp luật, có trái gì với các tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về việc khuyến khích, động viên cộng đồng doanh nghiệp phát triển hay không?

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế tương đối khó khăn, nhiều doanh nghiệp không muốn chây ì nộp thuế mà do điều kiện khó khăn không có khoản chỉ đối với việc nộp thuế thì chúng ta cần xem xét lại có nên đưa biện pháp này vào trong luật quản lý thuế hay không. Nếu mà áp dụng như hiện nay thì coi như tước quyền tự do đi lại của cá nhân, và ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp”, luật sư Nguyễn Thanh Hà bày tỏ.

Theo Chủ tịch Công ty luật SB Law, trên thực tế, cơ quan thuế luôn cũng theo sát doanh nghiệp, những doanh nghiệp nào trong diện nợ thuế thì cán bộ thuế luôn quyết liệt nhắc nhở và có nhiều thông báo.

Sau đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp khác như không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng, nếu mà tiền về ngân hàng có thể cưỡng chế thuế. Thậm chí, phạt hành chính với việc chậm nộp thuế thì rất là cao.

"Đây là những biện pháp đủ để yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật chứ không nên áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như gần đây", ông Hà nêu quan điểm.

  Luật sư Luật sư Đỗ Thị Hằng - Giám đốc chi nhánh Công ty Luật BFSC tại Hà Nội. Ảnh BFSC.

Đồng quan điểm, Luật sư Luật sư Đỗ Thị Hằng - Giám đốc chi nhánh Công ty Luật BFSC tại Hà Nội cho rằng, việc hạn chế xuất cảnh đối với lãnh đạo doanh nghiệp khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là một biện pháp cưỡng chế hành chính nhằm đảm bảo thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp.

Còn đối với trường hợp doanh nghiệp nợ thuế số tiền nhỏ chưa đến một triệu đồng, bà Hằng cho rằng, việc tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này có thể khá máy móc và chưa hợp lý. Cơ quan thuế cần có sự linh hoạt và cân nhắc mức độ nghiêm trọng của vi phạm trước khi áp dụng biện pháp này tránh gây thiệt hại lớn hơn cho doanh nghiệp. Những chủ thể đang đóng góp nguồn thu chính vào ngân sách nhà nước. (Theo tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu NSNN).

Luật sư Đỗ Thị Hằng cho rằng, với cơ quan thuế nên có quy định cụ thể hơn về ngưỡng nợ thuế và mức độ vi phạm để áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh, tránh việc áp dụng máy móc gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Còn với doanh nghiệp cần chủ động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đúng hạn để tránh bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp gặp khó khăn tài chính, doanh nghiệp nên liên hệ với cơ quan thuế để được hỗ trợ và hướng dẫn giải quyết.