Hà Nội cần phải “chạy” nhanh hơn COVID-19

11:39 | 01/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Thủ đô vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cần có những biện pháp nhanh, mạnh hơn để khống chế dịch.

Áp dụng các biện pháp mạnh và thực hiện nghiêm

Ngày 31/7, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, lời kêu gọi toàn dân quyết tâm, đoàn kết hơn nữa để chiến thắng đại dịch COVID-19 ngày 29/7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện cô đọng quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của Thủ đô, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất 100% ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”.

Chỉ thị xác định 6 nhóm nội dung trọng tâm, trong đó tập trung tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị, cá nhân cán bộ lãnh đạo; nâng cao hiệu quả chấp hành nguyên tắc giãn cách xã hội của người dân, của cơ quan, đơn vị, tổ chức; quyết tâm tận dụng tối đa “thời gian vàng” giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh. 

Hà Nội cần phải “chạy” nhanh hơn COVID-19 - ảnh 1

Tốc độ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở Hà Nội cần nhanh hơn

Bí thư Hà Nội khẳng định, đúng như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiện nay, tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp do biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.

Do đó, từ 6h ngày 24/7, Hà Nội đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, thời gian giãn cách là 15 ngày, tùy mức độ kiểm soát dịch, thành phố sẽ quyết định có gia hạn hay không. Đây là giải pháp mạnh phù hợp với tình hình thực tế, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trong những ngày qua, còn có cơ quan, đơn vị, người dân có biểu hiện thực hiện chưa nghiêm. Người ra đường, đến nơi làm việc còn đông; còn có tình trạng đối phó, cố tình vi phạm. Một số nơi việc tổ chức triển khai chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Biện pháp đúng và trúng, nhưng thực hiện không nghiêm thì cũng làm giảm tác dụng. Nên trọng tâm bây giờ là phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có như vậy mới có điều kiện để khoanh vùng, bóc tách hết mầm bệnh còn tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng. Chỉ có vậy mới có cơ hội chiến thắng COVID-19, trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất".

Cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine và xét nghiệm

Tính đến ngày 31/7, Hà Nội đã ghi nhận 1.174 ca bệnh COVID-19, trong đó có tới 700 ca từ cộng đồng, 474 ca là đối tượng đã được cách ly tập trung.

Theo CDC Hà Nội, có 50 ca bệnh phát hiện qua khám sàng lọc các trường hợp ho sốt trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây và 269 ca bệnh ho sốt tại cộng đồng thứ phát (liên quan các ca bệnh và các khu vực phong tỏa).

Trả lời trên báo Dân trí, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, nhận định, số ca ở chùm sàng lọc triệu chứng thứ phát cao và tăng nhanh là hệ quả của việc các ca bệnh được phát hiện muộn, khi đã có triệu chứng một vài ngày và đã âm thầm lây lan trong cộng đồng trước đó.

Vì vậy, TS Nguyễn Thu Anh cho rằng nếu lực lượng chức năng không xét nghiệm nhanh, rộng và truy vết tốt, khoanh vùng rộng thì số ca mắc có thể tăng lên nhanh trong thời gian tới.

Cũng theo vị chuyên gia này, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 5/7 đến 30/7 là 5%, cao gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước đó. Chuyên gia dịch tễ nhận định trẻ em dưới 5 tuổi không thể tự tiếp xúc với các tác nhân lây bệnh bên ngoài, mà chủ yếu lây từ người thân. Đây cũng là một yếu tố chứng tỏ dịch đang lây lan trong cộng đồng.

Một vấn đề khác được TS Nguyễn Thu Anh đưa ra là trong thời gian qua số ca F0 trong độ tuổi từ 60 trở lên đang tăng nhanh. Đây là độ tuổi có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi mắc COVID-19 cao.

Do đó, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần thực hiện việc tiêm vaccine cho người cao tuổi và người có bệnh nền sớm để bảo vệ cho nhóm đối tượng "nhạy cảm" này, cũng là bảo vệ cho cộng đồng và giảm áp lực hệ thống điều trị. Đồng thời cần đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm chủng cho các đối tượng khác.

Những nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh của Thủ đô

Là trung tâm kinh tế - chính trị, trái tim của cả nước, ngay từ khi dịch bệnh vừa mới bùng phát trở lại Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch. Theo đó, từ ngày 13/7, sau khi đã ghi nhận 61 ca dương tính với COVID-19, Hà Nội đã dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Đến ngày 19/7, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục ra chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Trao đổi với báo chí ngay trong ngày hôm đó, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, thành phố đã chủ động áp dụng biện pháp mạnh nhằm tận dụng tối đa “thời điểm vàng” ngăn không cho số ca mắc mới tăng lên.

Hà Nội cần phải “chạy” nhanh hơn COVID-19 - ảnh 2

Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16

Đến ngày 24/7, nhận thấy tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra Chỉ thị 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, từ 6h ngày 24-7, Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cùng với những biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát tối đa dịch bệnh lây lan, Hà Nội cũng đã nhanh chóng rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc COVID-19, không cần yếu tố dịch tễ.

Về năng lực điều trị, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn: 1.000 giường, 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường, chia 4 tầng điều trị.

Bên cạnh đó, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm 4 tại chỗ, ngoài các bệnh viện của Thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.

Để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP Hà Nội đã giao cho Bệnh viện Đại học Y xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch trên phần đất 3,5 ha của bệnh viện. Dự kiến quy mô bệnh viện có hơn 500 - 700 giường bệnh, dùng để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng.

Bệnh viện xây dựng tại Khu vực ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Dự án khởi công ngày 24/7, dự kiến hoàn thiện 30/8. Nhà thầu dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta đang huy động công nhân làm việc liên tục 24/24 giờ.

Về công tác cách ly, UBND TP Hà Nội cũng vừa có văn bản hỏa tốc về chủ trương, kế hoạch trưng dụng 10 khu nhà tái định cư làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

CDC Hà Nội cũng đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1) và người về từ vùng dịch để trình Sở Y tế Hà Nội xem xét.

Để chủ động “tấn công” COVID-19, TP Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân Thủ đô tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 60.480 liều vaccine phòng COVID-19 của Moderna và 563.500 liều của AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội. Trong đó, đối với vaccine Moderna, Hà Nội phân bổ cho quận Hoàn Kiếm 7.980 liều; Ba Đình: 6.020 liều; Đống Đa: 5.208 liều...

Đối với vaccine AstraZeneca, quận Đống Đa được phân bổ hơn 25.600 liều; quận Long Biên: 22.440 liều; quận Hai Bà Trưng: 20.580, quận Thanh Xuân và Cầu Giấy mỗi quận gần 20.000 liều.... Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều vaccine của Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình (498 liều) và CDC Hà Nội (1.842 liều).

Hiện tại Mỗi dây chuyền tiêm chủng ở Hà Nội đều đạt từ 80-100 người trên một ngày. Mục tiêu đề ra, hướng tới tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.

H.A

Xem thêm: Hà Nội: Duy trì sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chiến thắng dịch