Hà Nội chính thức bỏ yêu cầu người đi đường phải có 'lịch trực, lịch làm việc'
Sáng 10/8, sau 2 ngày ban hành quy định người đi đường ngoài giấy tờ tùy thân, giấy đi đường phải mang theo bảng phân công lịch trực, lịch làm việc, Hà Nội đã chính thức điều chỉnh lại.
Cụ thể, theo văn bản, 577, ngày 10/8/2021, TP Hà Nội thông báo người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường. Như vậy so với quy định ban hành hôm 8/8, thành phố giảm bớt các loại giấy tờ gồm: lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Người dân Hà Nội ra đường chỉ cần mang giấy tờ tùy thân và giấy đi đường.
Với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thuộc Hà Nội đóng trên địa bàn thành phố, người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường, đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về chống dịch.
Tương tự, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ (được phép hoạt động) được cấp giấy đi đường cho người lao động.
Tuy nhiên, để giám sát và hậu kiểm khi cần thiết, thành phố yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh (đảm bảo quy định chống dịch), gửi đến phường, xã để được xác nhận. Thành phố nêu rõ người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này.
Văn bản trên cũng yêu cầu UBND phường, xã cần xác nhận nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động cần bố trí nhiều lao động đến làm việc, phường, xã chủ động phối hợp, cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với đơn vị tại địa điểm để thống nhất phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và xác nhận danh sách người lao động cần lưu thông trên đường.
Trước đó, Chỉ thị về giấy đi đường mới được TP Hà Nội ban hành vào ngày nghỉ (8/8) khiến sáng (9/8) nhiều doanh nghiệp cho biết không kịp trở tay. Nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc khi phải xếp hàng ra phường xin giấy. Bên cạnh đó, việc kiểm tra giấy đi đường và các giấy tờ phụ tại một số tuyến phố Hà Nội gây ùn tắc giao thông.
Trao đổi với Zing, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khẳng định kết quả phòng chống dịch của Hà Nội trong 14 ngày giãn cách vừa qua rất đáng ghi nhận. Tình hình dịch còn khó lường, khó dự báo nên việc thành phố đẩy mức phòng chống dịch lên cao một mức cũng là điều dễ hiểu.
Song theo ông Vân, các biện pháp phòng chống dịch phải xem xét tính hợp lý, hợp pháp. Nói về việc ban hành văn bản của Hà Nội, ông Vân cho rằng cả tính hợp pháp và hợp lý đều chưa đạt được.
Trước hết, văn bản này của thành phố không được quyền đặt ra các quy tắc xử sự trái với những văn bản cấp trên.
Theo ông Vân, văn bản đưa ra quy định cần đánh giá tác động ngay lúc ban hành, tránh “đánh úp” dân. Hơn nữa, vị đại biểu cho rằng một người mà trình đến 4-5 loại giấy tờ thì việc kiểm soát rất mất thời gian, tình trạng ùn ứ đương nhiên sẽ xảy ra.
“Như vậy là quy định đã mâu thuẫn với Chỉ thị 16 của Thủ tướng là không được tập trung quá 2 người nơi công cộng và phải đảm bảo giãn cách 2 m. Việc này vô hình trung tạo ra điểm tụ tập đông người và nguy cơ lây lan dịch bệnh, chỉ cần có một ca F0 sẽ lây nhiễm ngay”, ông Vân nêu quan điểm.
Minh Vương