Hà Nội kiên trì truy vết kiểm soát 'ổ dịch' COVID-19 phường Thanh Xuân Trung

20:55 | 30/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là một trong những ổ dịch “nóng” nhất Hà Nội hiện nay với diễn biến phức tạp, tỷ lệ lây nhiễm cao.

Chuyên gia y tế cảnh báo, người dân cần thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, đây là giải pháp quyết định để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, chỉ có thực hiện triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình mới chặt đứt được chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 với biến thể Delta.

Ca lây nhiễm nhanh do còn lơ là thiếu cảnh giác

Báo Tiền Phong thông tin từ Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, chùm ca bệnh COVID-19 ở "ổ dịch" Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xuất hiện trong một thời gian và đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.

Tính đến trưa 26/8, khu vực này đã ghi nhận 86 ca dương tính SARS-CoV-2, và dự kiến còn có thể tăng thêm khi có thêm kết quả xét nghiệm người dân trong khu vực.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, qua kết quả điều tra, truy vết tạm thời, đã xác định được 3 nguồn lây trong cùng một thời điểm tại chùm ca bệnh ở phường Thanh Xuân Trung.

Hà Nội kiên trì truy vết kiểm soát 'ổ dịch' COVID-19 phường Thanh Xuân Trung - ảnh 1

Quận Thanh Xuân đã thành lập khu vực cách ly y tế tạm thời ngõ 328 và từ số nhà 2B đến hết ngõ 330 đường Nguyễn Trãi từ 14 giờ ngày 23/8 đến 14 giờ ngày 30/8 (7 ngày). Khu vực phong tỏa có khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu (ảnh Kinh tế & Đô thị)

Trong đó, qua đánh giá sơ bộ, ở vùng lân cận nơi phát sinh ca bệnh trong ổ dịch này, có thể có nguồn lây là người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, việc lây cụ thể ở đâu chưa rõ cần phải truy vết thêm, kỹ càng bởi đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người dân "ngại" khai báo đi đâu, ở đâu.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng phân tích, chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung đã xuất hiện trong một thời gian, đã đến vòng lây nhiễm thứ 2, thứ 3.

Thêm vào đó, khu vực xuất hiện chùm ca bệnh này lại ở một khu tập thể cũ với mật độ dân cư đông, ngõ nhỏ, ngách nhỏ, diện tích chật hẹp nên khả năng tiếp xúc rất lớn.

Vì thế, gần như toàn bộ cả nghìn người dân trong khu vực này được coi là F1 của các F0 được ghi nhận. Theo thống kê, tại khu vực phong tỏa có khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu.
Bên cạnh đó, chùm ca bệnh này có sự tương đồng như chùm ca bệnh ở hai phường Văn Chương và Văn Miếu.

"Dự báo, khả năng lây nhiễm tại chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung rất cao, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, có khả năng lên tới 100 ca dương tính", ông Tuấn nêu.

Về vấn đề thành phố đã triển khai hai lần xét nghiệm diện rộng, lấy và xét nghiệm hơn 1 triệu mẫu, nhưng vẫn chưa bóc tách triệt để được các trường hợp F0, ông Tuấn cho biết, việc lấy mẫu được triển khai ở các khu vực nguy cơ và những trường hợp có nguy cơ trên địa bàn. Nhưng hiện nay, có thể có những khu vực không nằm trong khu vực nguy cơ, nhưng vẫn phát sinh ca bệnh như khu vực phường Thanh Xuân Trung.

“Bây giờ vẫn chưa nắm bắt được hết được khu vực nào có nguy cơ. Như chỗ Thanh Xuân Trung vừa qua không nằm trong khu vực nguy cơ, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng vì không có yếu tố liên quan đến dịch bệnh. Nó khó ở chỗ đó”, ông Tuấn phân tích.

Còn với các khu vực được xác định là nguy cơ, đã được lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng thì không e ngại. “Điều lo ngại là việc phát hiện các ổ dịch tiềm tàng ở cộng đồng. Từ một ca có thể phát hiện ra một ổ dịch vài chục ca. Mấu chốt nhất hiện nay vẫn là việc người dân có triệu chứng, hoặc thậm chí không có triệu chứng nhưng cảm thấy sức khoẻ có vấn đề, nghi vấn liên quan đến COVID-19 phải khai báo ngay để được lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có ca mắc mà không phát hiện kịp thời, để thành nhiều chu kỳ lây nhiễm thì rất khó xử lý”, ông Tuấn nói thêm.

Về việc phóng viên đặt vấn đề Hà Nội có triển khai xét nghiệm từng người để phát hiện nguy cơ dịch bệnh, ông Tuấn cho biết, điều đó là chưa cần thiết, bởi hiện nay, qua hai đợt xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng của thành phố rất thấp. Các khu vực đang là ổ dịch như phường Văn Chương hay khu chung cư HH Linh Đàm đã được khoanh vùng, nếu có lây nhiễm chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp có liên quan.

“Tôi phải nhắc lại là hiện nay vẫn có nguy cơ trong cộng đồng. Nhiều khu vực không có yếu tố dịch bệnh, không thuộc diện lấy mẫu xét nghiệm nhưng lại phát sinh thành ổ dịch như khu vực Thanh Xuân Trung. Nếu người dân phối hợp, khai báo thông tin tốt thì vẫn có thể phát hiện được từ trước. Nhưng nhiều người dân bây giờ ngại khai báo vì đang giãn cách xã hội. Nếu khai báo đi chỗ này, chỗ kia thì là vi phạm quy định cách ly xã hội. Đó cũng là một khó khăn để phát hiện các ca bệnh”, ông Tuấn nêu.

Ai ở đâu thì ở yên tại đó

Nhìn vào thực tế, Thanh Xuân là quận có dân số đông và mật độ dân cư cao, nhiều khu tập thể cũ, xuống cấp, điều kiện sống còn chật hẹp.

Hơn nữa, quận có tuyến đường vành đai, xuyên tâm kết nối với các quận, huyện khác là điều kiện dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân nêu chia sẻ, từ vụ việc ở Thanh Xuân Trung quận đã xác định, khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, mọi lực lượng phải vào cuộc nhanh hơn. Trong đó, khoanh vùng ở phạm vi rộng hơn, tập trung thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.

Theo TTXVN cho biết quá trình lấy mẫu xét nghiệm sẽ được chia tổ để thực hiện tại nhà dân để tránh lây nhiễm. Mặt khác, quận sẽ triển khai một số giải pháp khác như: kiểm soát theo mô hình " 3 lớp +," mô hình tổ dân phố tự quản bảo vệ "vùng xanh"...

Xác định ổ dịch Thanh Xuân Trung không chỉ là việc của phường, quận mà nguy cơ lân lan ra khu vực khác trên địa thành phố nếu không tập trung dập dịch, ngày 25/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi.

Hà Nội kiên trì truy vết kiểm soát 'ổ dịch' COVID-19 phường Thanh Xuân Trung - ảnh 2

Thị sát ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung sáng 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu bố trí các chốt trực thành 3 lớp, đảm bảo nghiêm giãn cách, người dân trong khu vực cách ly y tế không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi nhà, không ra khỏi vùng cách ly... (Ảnh Kinh tế & Đô thị) 

Tại đây, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo, "vùng đỏ" nhất trong "vùng đỏ" phải được thiết lập khu vực riêng. Vì vậy, chính quyền địa phương phải tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia.

Phải có cách làm cụ thể, mạnh mẽ để thực hiện việc "khóa cứng" vùng lõi trong ổ dịch. Chủ tịch thành phố đặc biệt yêu cầu phải chặn bệnh ngay từ gốc nên các sở ngành phải bám cơ sở cùng quận để nhanh chóng xử lý khu vực nguy cơ rất cao này.

Theo CDC Hà Nội, nguyên nhân lây nhiễm nhanh như ở Thanh Xuân Trung một phần là người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Những yếu tố này làm cho việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều.

Vì vậy, theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để không bị lây lan dịch bệnh cho mình và cho xã hội, mỗi người người dân cần phải tận dụng tốt thời gian giãn cách xã hội để ở yên trong nhà, phòng, chống dịch.

Mặt khác, chính quyền cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa việc tuân thủ giãn cách, quy định 5K của người dân ở bên trong mỗi khu chung cư, lắp camera để phát hiện và xử phạt nghiêm minh những người vi phạm, không thể thực hiện giãn cách xã hội nửa vời, một người lơ là làm bao người vất vả, hao tổn nguồn lực xã hội.

Xuất phát từ việc hai mẹ con ở ngõ 330 Nguyễn Trãi đi xét nghiệm có kết quả dương tính SARS-CoV-2 hôm 23/8, tính đến trưa 26/8, tại phường này đã ghi nhận 86 ca dương tính SARS-CoV-2. Các bệnh nhân tập trung tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi và liên quan đến các chợ, siêu thị trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp làm việc, buôn bán tại địa bàn phường này, nhưng có địa chỉ ở nơi khác gồm: phường Khương Đình (quận Thanh Xuân); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và Trung Văn (Nam Từ Liêm).

Đây cũng được coi là "ổ dịch" có nguy cơ rất lớn, "nóng" nhất hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày 25/8, khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, phải coi toàn bộ người trong khu phong tỏa là F1, phải xét nghiệm. "Ai không thực hiện thì phải đưa đi cách ly tập trung”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nói.

Nguyễn Triệu

Xem thêm: Nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19