Hà Nội sẽ thiết lập “luồng xanh” để chuyển hàng mùa dịch

08:56 | 20/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Căn cứ vào diễn biến của dịch COVID-19, Hà Nội sẽ thiết lập “luồng xanh” để xe chuyên chở lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đến điểm bán hàng để cung ứng cho người dân…

Theo đó, chiều qua ngày 19/7, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn TP về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương cho hay nhiều năm nay Hà Nội đã thực hiện chương trình bình ổn giá, giúp bình ổn thị trường. Từ năm 2020, Sở Công thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất. 

Đến nay, Sở Công thương đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21 nghìn tỷ đồng, từ đó, đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội sẽ thiết lập “luồng xanh” để chuyển hàng mùa dịch

Buổi làm việc với các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn TP về phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

“Chính vì vậy, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến” - bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho hay, hiện dịch bệnh tại TP vẫn đang trong tầm kiểm soát , Sở đã lập kịch bản cung ứng hàng cho thành phố theo 3 cấp độ dịch. Các doanh nghiệp cũng tăng dự trữ hàng 3-5 lần. Hàng hoá có thể đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân Thủ đô trong 3 tháng.

Tuy nhiên, nếu kịch bản dịch diễn biến phức tạp hơn, bà đề nghị ngành y tế, giao thông có hướng dẫn cụ thể việc xét nghiệm, vận chuyển hàng nhanh chóng, tránh ùn ứ.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp khẳng định sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn trong mọi tình huống. Các doanh nghiệp cũng đề nghị TP kiến nghị với cấp có thẩm quyền ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tài xế chở hàng hoá và nhân viên tại các điểm bán hàng.

Đồng thời kiến nghị Hà Nội khuyến khích các huyện ngoại thành chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để chủ động về nguồn rau xanh, thịt cá, để không quá phụ thuộc vào các tỉnh khác.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh về tinh thần ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, phải bảo đảm sự an toàn cho người dân, cho xã hội.

Vì vậy, sau cuộc họp, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các nội dung thảo luận, chia sẻ tại cuộc họp để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị, trong đó phải dự kiến đáp ứng được tình huống dịch diễn biến phức tạp hơn.

Ông Quyền yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội rà soát lại sản xuất để chủ động về nguồn rau quả, thịt cá để có thể ứng phó với diễn biến dịch kéo dài. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Sở Công thương để xây dựng phương án bố trí "luồng xanh” cho xe chở lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu từ điểm cung ứng, nhà kho đến tận địa điểm bán hàng. Đảm bảo hàng hoá được phân phối thông suốt, không ách tắc trong bất cứ tình huống dịch nào.

Cùng với đó, ông Quyền chỉ đạo Sở Công thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết.

Từ 0h ngày 19/7, Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, không tụ tập quá 5 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Sau quyết định này của chính quyền Thủ đô, người dân đổ tới các siêu thị mua đồ từ chiều tối ngày 18/7. Tình trạng này tái diện vào đầu giờ sáng tại các chợ dân sinh, khiến mặt hàng thực phẩm như thịt heo, tại nhiều chợ hết ngay sau một, hai tiếng. Hiện, hàng hoá tại siêu thị, chợ dồi dào.

Xem thêm: Hà Nội `đìu hiu` sau công điện khẩn chống dịch COVID-19

Hoa Trần (t/h)

ĐỌC NHIỀU