Hạ tầng giao thông Hà Nội cần 332.500 tỷ đồng phát triển trong 5 năm tới?
Sở GTVT Hà Nội đang tiến hành hoàn thiện việc xây dựng danh mục đầu tư công trung hạn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội trong giai đoạn sắp tới, cụ thể là từ 2021 đến 2025.
Theo đó danh mục sẽ gồm 460 dự án, trong đó có 451 dự án cần đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, 8 dự án sẽ triển khai bằng hình thức đối tác công tư - PPP. Một dự án còn lại sẽ dưới hình thức PPP kết hợp đầu tư công.
Theo thông tin từ Sở GTVT, trong số dự án trên đã có 143 được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang, còn lại là các dự án mới. Theo kế hoạch, thành phố sẽ hoàn thành 443 dự án vào giai đoạn 2021- 2025, 17 dự án sẽ được chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030.
Tổng nhu cầu vốn để triển khai các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Hà Nội sẽ rơi vào khoảng 332.500 tỷ đồng.
Việc đầu tư sẽ ưu tiên dựa trên tầm quan trọng mà dự án đó đem lại
Cũng liên quan tới vấn đề về vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội trong Thông báo số 372/TB-UBND đã quán triệt theo tinh thần: Bởi nguồn lực đầu tư có hạn nên các dự án trong kế hoạch phải thứ tự ưu tiên cao nhất, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
Đối với các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Thành phố sẽ triển khai rà soát, đánh giá lại mức độ hiệu quả, tính khả thi và đánh giá về tiến độ, qua đó sẽ đề xuất mức vốn bố trí cho phù hợp. Các dự án sau khi đánh giá có thể bị hoãn lại nếu cần.
Việc rà soát, cân vốn nguồn vốn sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở chuyên ngành để có thể sử dụng cân đối. Khi nguồn vốn giao cho chủ đầu tư sẽ kiên quyết áp dụng nguyên tắc xóa bỏ cơ chế xin cho, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm...
Trở lại với vấn đề các dự án thuộc danh mục, Sở GTVT cho biết đầu tư vào các dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đã nêu trên cùng với các nguyên tắc sau.
Thứ nhất, đảm bảo khả thi trong quy hoạch và cân đối ngân sách. Các dự án được lựa chọn sẽ dựa trên mức độ quan trọng, xác định rõ vai trò trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải kết hợp các điều kiện về thủ tục đầu tư liên quan đến công trình.
Thứ hai, thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường huyết mạch mang tính kết nối đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông.
Thứ ba, các dự án phải đảm bảo giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Hơn nữa cần khắc phục “điểm đen” tai nạn giao thông, phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phải giúp tăng cường khả năng kết nối liên vùng và nội vùng, đặc biệt tập trung hoàn thiện liên kết đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh. Kết nối khu vực nội thành với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.
H.S
Xem thêm: Thủ tướng tăng đầu tư công trung hạn thêm 120 nghìn tỷ, nhưng tập trung cho dự án trọng điểm