Hà Tĩnh: Nguồn hải sản trước nguy cơ tận diệt, ngư dân Cẩm Nhượng kêu cứu
Những ngày giữa tháng 4, có mặt tại thôn Chùa (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) phóng viên Doanh nhân Việt Nam đã được lắng nghe nhiều tâm tư, nỗi niềm của bà con ngư dân nơi đây.
Có mặt tại gia đình ông Nguyễn V.N. (trú tại thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng) khi ông vừa kết thúc chuyến đi biển trở về nhà. Ông N. thở dài cho biết, gần 2 năm trở lại đây nguồn lợi hải sản như tôm cá, mực… của vùng biển này đã không còn nhiều như trước. Gia đình ông N. đi thuyền nhỏ nên chỉ đánh bắt vùng gần bờ, chủ yếu là câu mực từ cuối chiều đến rạng sáng hôm sau. Thế nhưng, hơn vài tháng nay, nhiều chuyến đi gần như chỉ về tay không, chịu lỗ chi phí. Hiếm hoi lắm mới có những đêm được vài ba kg mực.
"Điển hình như sáng nay 10 người chúng tôi đi về trừ chi phí dầu đèn chia ra mỗi người chưa được 50 ngàn đồng. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng, thậm chí các cuộc họp tiếp xúc cử tri HĐND nhưng tình trạng giã cào nơi đây vẫn chưa được xử lý triệt để", ông N. bức xúc.
Trong khi đó, hộ gia đình bà Lê Th.H. với hơn 30 năm theo nghề biển ngậm ngùi chia sẻ, hơn tháng nay gia đình bà H. đã không còn mặn mà với việc đi biển nữa, bởi những chuyến đi về không đủ chi phí trả tiền dầu. "Mấy đứa con tôi đã động viên nhờ anh em vay mượn tiền cho nó đi làm ăn xa, đứa vay được tiền thi đi xuất khẩu lao động, đứa thì đi miền Nam kiếm kế sinh nhai, không chỉ riêng gia đình tôi mà cả thôn này giờ chỉ còn khoảng 25 thuyền đánh bắt cá. Nghề đánh bắt giờ chi phí quá lớn trong khi nguồn hải sản cạn kiệt, chúng tôi giờ cũng không biết phải làm gì để mưu sinh", bà H. tâm sự.
Anh Phan V. Tr. chủ một đại lý thu mua thủy hải sản ở Cẩm Nhượng cho hay, từ đầu năm lại nay, nguồn hải sản mua được tại xã Cẩm Nhượng giảm đi rất nhiều, ngư dân không đánh bắt được nhiều cá, mực như trước. "Để có nguồn hải sản phân phối ra ngoài, chúng tôi buộc phải thu mua từ các vùng biển Quảng Bình, Nha Trang, Ninh Thuận…. mới đảm bảo được cho việc kinh doanh", anh Tr. nói.
Chia sẻ với phóng viên, anh V. chủ một nhà hàng hải sản tại thị trấn Thiên Cầm nói: "Khoảng thời gian này như mọi năm, lượng khách du lịch thường đổ về Thiên Cầm để tắm biển và ăn mực, tuy nhiên nằm nay dù đang trong mùa mực nhưng tất cả các nhà hàng ở đây không thấy nhà nào có để bán cho khách cả".
Nguyên nhân từ... giã cào
Trên địa bàn xã Cẩm Nhượng hiện có khoảng 250 tàu, thuyền các loại với hơn 1.000 ngư dân làm nghề đi biển, trong đó chủ yếu là tàu thuyền nhỏ đánh bắt vùng lộng. Quý 1/2021, sản lượng hải sản ngư dân đánh bắt khoảng 450 tấn, giảm hơn 30% so với quý 1/2020.
Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Thiên Cầm, từ cuối năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp xử lý 3 vụ, trong đó có 6 đối tượng sử dụng tàu giã cào để đánh bắt, tiến hành xử phạt hành chính 120 triệu đồng.
Nhiều chủ thuyền gần một tháng nay không ra khơi vì nguồn hải sản cạn kiệt
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, thế nhưng các lực lượng chức năng gặp khó khăn xử lý triệt để tình trạng đánh bắt trái phép này.
“Thực tế thời gian gần đây tình trạng tàu giả cào xuất hiện khá phổ biến, chủ yếu phương tiện tàu thuyền địa phương chuyển đổi ngành nghề khai thác. Khi nhận được thông tin người dân cung cấp, lực lượng biên phòng đã triển khai biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn. Tuy nhiên, đối với tàu thuyền khai thác vùng xa rất khó tiếp cận", một lãnh đạo Đồn Biên Phòng Cửa Nhượng cho biết.
Một số chủ phương tiện dùng thủ đoạn cất dấu dây điện hết sức tinh vi, định vị thả trôi nổi trên biển hoặc trên các đảo nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng
Cũng theo vị lãnh đạo này, hàng năm đơn vị đã tổ chức tuyền truyền, hướng dẫn ngư dân ký cam kết trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc. Không tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng vật liệu nổ, công cụ kích điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ trái phép để khai thác hải sản; chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của lực BĐBP, lực lượng liên quan và các quy định của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số chủ phương tiện dùng thủ đoạn cất dấu dây điện hết sức tinh vi, định vị thả trôi nổi trên biển hoặc trên các đảo nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Đức Điệp - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Đóng cửa với Thái Lan, Lào quay sang nhập khẩu hải sản Việt Nam