Hàn Quốc cần thêm nhiều nhân lực nước ngoài có chuyên môn cao

Khánh Vân (P/V TTXVN Tại Seoul) 11:11 | 25/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, giới chức Hàn Quốc nhận định trong bối cảnh dân số già hóa nhanh, Hàn Quốc sẽ ngày càng cần thêm nhiều nhân lực nước ngoài có chuyên môn từ nhiều lĩnh vực.

Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: TTXVN

Ông Kim Young-Jung, Tổng giám đốc Dịch vụ Thông tin việc làm Hàn Quốc (KEIS) - một tổ chức bán công trực thuộc Bộ Lao động chuyên cung cấp thông tin việc làm và hướng nghiệp - đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của báo chí. Ông cho biết trong tương lai gần, Hàn Quốc sẽ ngày càng cần nhiều kỹ sư, nhà khoa học, giáo viên, nhà quản lý, chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) người nước ngoài.

 

Theo ông Kim, trong bối cảnh dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác là ngày càng chuyển sang sử dụng lao động nước ngoài đảm nhận những vai trò quan trọng. Cho đến nay, lao động nước ngoài vào Hàn Quốc chủ yếu tập trung ở những công việc phổ thông được trả lương thấp, nhưng trong tương lai, nhiều người sẽ được thuê làm những công việc tay nghề cao.

 

Ông Kim khẳng định sự thiếu hụt nhân lực ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở lao động phổ thông hoặc không chuyên nghiệp, mà cả ở những khu vực cần trình độ học vấn cao. Viễn cảnh này cho thấy xã hội Hàn Quốc phải chuẩn bị cho việc tiếp nhận người nhập cư.

 

Ông Kim trước đây là chuyên gia cấp cao về hoạch định chính sách của Bộ Lao động Hàn Quốc. Ông lưu ý rằng trong vài năm tới Hàn Quốc vẫn có thể dựa vào việc khai thác lực lượng lao động tiềm năng từ nhóm dân số không hoạt động kinh tế, bao gồm cả những người về hưu và cha mẹ nội trợ.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2028, dân số hoạt động kinh tế vốn ổn định trong nhiều năm sẽ bắt đầu sụt giảm, đẩy Hàn Quốc vào tình trạng thiếu lao động chưa từng có. Tình trạng này sẽ khiến Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào lực lượng lao động nhập khẩu cũng như phải đẩy mạnh tận dụng nguồn lao động chưa tham gia hoạt động kinh tế trong nước.

 

Người đứng đầu KEIS dự đoán sẽ có những thay đổi mạnh hơn nữa trong hệ thống dịch vụ thông tin việc làm, đặc biệt tập trung cho người lao động nhập cư. Hiện tại, số lượng lao động nhập cư còn ít so với công dân Hàn Quốc nên chưa có hệ thống dịch vụ việc làm riêng biệt được tối ưu hóa cho nhóm đối tượng này. Trong thời gian tới, KEIS sẽ tập trung kết hợp công nghệ mới vào dịch vụ việc làm.

 

Theo chuyên gia Kim, Hàn Quốc không chỉ là cường quốc có nền công nghệ phát triển mà còn là cường quốc văn hóa sở hữu đủ loại nội dung như K-pop, K-drama và K-movie. Vì vậy, Hàn Quốc cần nhiều nhân lực cho các lĩnh vực hết sức đa dạng. Đối với người nước ngoài, đây là cơ hội cho các lao động có chuyên môn cao đang tìm kiếm cơ hội làm việc chuyên nghiệp tại Hàn Quốc.

 

Hiện tại, KEIS tham gia hệ thống cấp phép lao động của chính phủ (EPS) cho phép các công ty Hàn Quốc không tìm được lao động trong nước được tuyển dụng lao động nước ngoài. KEIS vận hành 14 hệ thống thông tin việc làm, bao gồm cổng thông tin WorkNet, cũng như các hệ thống bảo hiểm việc làm và phát triển nguồn nhân lực (HRD-Net). Khi người Hàn Quốc muốn tìm việc, họ có thể truy cập WorkNet để kiểm tra các tin tuyển dụng và trên HRD-Net, người lao động có thể kiểm tra danh sách các lớp đào tạo nghề do chính phủ cung cấp để củng cố năng lực chuyên môn. KEIS cũng sử dụng dữ liệu việc làm và lao động để đóng góp khuyến nghị chính sách về xu hướng việc làm, nhu cầu thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hướng nghiệp, đánh giá việc làm, chính sách đối với thanh niên và xây dựng chính sách việc làm.