Hàn Quốc hưởng lợi từ tái quy hoạch chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc
Nguyên nhân là do các quốc gia công nghệ, bao gồm Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, đang gặt hái những lợi ích khi các công ty toàn cầu tổ chức lại chuỗi cung ứng nhằm giảm thiệt hại do xung đột Mỹ-Trung ngày càng gia tăng. Các quốc gia trên thế giới đang thu hút FDI một cách cạnh tranh bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp hoặc lợi ích về thuế khổng lồ cho các công ty của chính nước mình.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố ngày 8/6, đầu tư FDI vào Hàn Quốc tính đến hết tháng 5/2023 đạt 13.960 tỷ won (10,73 tỷ USD). Đây là mức thu hút vốn FDI cao nhất từ trước đến nay trong khoảng thời gian từ tháng 1-5 mà theo giới chuyên gia là do tác dụng phụ của xung đột Mỹ-Trung.
Khi Mỹ tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong ngành công nghệ cao, các công ty toàn cầu đang mở rộng chuỗi cung ứng của họ sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Và Hàn Quốc đang gặt hái nhiều lợi ích. Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng tuyệt vời trong các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn và pin thứ cấp, vì vậy các công ty toàn cầu có liên quan đang lần lượt chọn đầu tư vào Hàn Quốc.
Edwards, một nhà sản xuất máy bơm chân không bán dẫn của Anh, đã xây dựng một nhà máy sản xuất tại thành phố Asan, tỉnh Nam Chungcheong từ tháng 10/2022. Đại diện nhà máy trong cuộc phỏng vấn tờ DongA Ilbo cho biết: “Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng định hướng sản xuất tuyệt vời và lợi thế về nguồn nhân lực trình độ cao. Trong giai đoạn tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng tôi đã chọn Hàn Quốc làm cơ sở cung ứng của mình”.
Các quốc gia lớn đang tích cực tìm cách thu hút FDI thông qua các ưu đãi như cung cấp nhiều khoản trợ cấp đầu tư và khấu trừ thuế sau năm 2021 trong bối cảnh việc tổ chức lại chuỗi cung ứng đang diễn ra nhanh trên toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Pháp đã chứng kiến mức tăng 56% vốn FDI trong năm 2022 so với năm trước đó.
Giám đốc điều hành KOTRA Invest Korea, Kim Tae-hyung, cho biết: Vốn FDI đạt mức cao chưa từng thấy trong giai đoạn 5 tháng qua là nhờ chiến lược “Trung Quốc+1 của các công ty toàn cầu. “Trung Quốc+1” là một thuật ngữ xuất hiện trong báo cáo năm 2021 của Kearney, một công ty tư vấn toàn cầu, trong đó đề cập đến việc các tập đoàn lớn vào đầu tư vào Trung Quốc, đồng thời thành lập một cơ sở sản xuất bổ sung ở các quốc gia châu Á khác để giảm thiểu rủi ro.
Ban đầu, các công ty toàn cầu đã thực hiện chiến lược này để vượt qua giai đoạn “Không COVID” khi Trung Quốc đóng cửa biên giới để phòng chống dịch. Tuy nhiên, với chiến lược mà Mỹ áp dụng nhằm tăng cường ngăn chặn Trung Quốc trong các ngành công nghệ cao gần đây, các công ty đang tìm kiếm các thị trường khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nói cách khác, các công ty đang tìm cách rời hẳn Trung Quốc đang đổ xô đến Hàn Quốc. Sức hấp dẫn của Hàn Quốc, nơi có công nghệ sản xuất đẳng cấp thế giới trong ngành công nghệ cao, đang tăng lên do các biện pháp kiểm soát công nghệ công khai của Mỹ.
Thành công nhờ ứng phó linh hoạt với COVID-19
Hàn Quốc đang nổi lên như một nước hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc+1” bởi lẽ nước này có vị trí địa lý gần với thị trường Trung Quốc và có cơ sở hạ tầng tuyệt vời trong các ngành công nghệ cao. Song Hàn Quốc có thêm điểm cộng với giới đầu tư sau khủng hoảng COVID-19.
Air Products, một nhà sản xuất khí đốt công nghiệp của Mỹ đã xây dựng một trạm nạp hydro ở Ulsan, phía Nam Hàn Quốc từ 2 năm trước, cho biết “Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chính như chất bán dẫn và màn hình, vốn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó Hàn Quốc cũng có năng lực ứng phó khủng hoảng cao, tạo nên sức hấp dẫn cao như một điểm đến đầu tư".
Cách ứng phó hiệu quả của Hàn Quốc với cuộc khủng hoảng toàn cầu trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là một yếu tố làm tăng niềm tin của giới đầu tư. Một quan chức của Edwards, một công ty của Anh sản xuất máy bơm chân không cho các quy trình bán dẫn, cho biết: “Mặc dù cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã xảy ra trong ba năm qua nhưng Hàn Quốc đã phản ứng linh hoạt và củng cố vị thế của mình như một điểm đến đầu tư. Trong khoảng thời gian 3 năm đại dịch này, Hàn Quốc đã tập trung thu hút được FDI vào lĩnh vực cơ sở vật chất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nhiều việc làm.
“Đầu tư vào lĩnh vực xanh”, trong đó các công ty nước ngoài trực tiếp thành lập cơ sở sản xuất, chiếm 84,7% tổng vốn FDI, lên tới 9,085 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty nguyên liệu pin của Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng bởi Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA), cũng đang tăng cường đầu tư vào Hàn Quốc thông qua liên doanh với doanh nghiệp nội địa.
Trước đây, các công ty pin Hàn Quốc đã đầu tư quy mô lớn vào các cơ sở sản xuất thông qua việc thành lập liên doanh tại Trung Quốc, nhưng tiến trình ngược lại đang xảy ra.
Theo hướng dẫn chi tiết của IRA, các công ty tinh chế khoáng sản làm pin chỉ có thể nhận được các khoản tín dụng thuế khi họ sử dụng 40% trở lên (tính đến năm nay) khoáng sản từ Mỹ hoặc một quốc gia có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.
Theo đó, Huayou Cobalt của Trung Quốc, công ty khai thác cobalt lớn nhất thế giới, đã quyết định thành lập liên doanh với POSCO Future M vào tháng trước. Công ty này có kế hoạch đầu tư tổng cộng 1.200 tỷ won để xây dựng dây chuyền sản xuất tiền chất (vật liệu cơ bản cho vật liệu cực âm của pin) tại Khu liên hợp công nghiệp Blue Valley ở Pohang (tỉnh Bắc Gyeongsang).
Trước đó, vào tháng Ba năm nay, GEM, một nhà sản xuất tiền chất khác của Trung Quốc, cũng đã quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất tiền chất tại Khu công nghiệp Saemangeum ở Gunsan, tỉnh Bắc Jeolla với khoản đầu tư 1.210 tỷ won thông qua hợp tác liên doanh với SK On và Ecopromaterials.
Cần cải thiện quy chế để thu hút FDI bền vững
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần hỗ trợ cải cách thể chế để liên tục thu hút FDI bằng cách bứt phá cạnh tranh với các nước lớn. Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học nữ Sookmyung, Oh Joon-seok, cho rằng FDI tăng đột biến hiện nay phần lớn là do hưởng lợi các yếu tố địa chính trị bên ngoài như xung đột Mỹ-Trung. Giới chuyên gia chỉ ra rằng Chính phủ Hàn Quốc cần hỗ trợ các nỗ lực như cải cách quy định và hỗ trợ đầu tư để không ngừng thu hút FDI một cách bền vững.
Solvay, một công ty hóa chất có trụ sở tại Bỉ đã đầu tư hơn 1.000 tỷ won vào Hàn Quốc kể từ năm 1975, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ hạ thấp các điều kiện và tiêu chuẩn để các công ty nước ngoài nhận được trợ cấp, biến đây thành một yếu tố hấp dẫn để thu hút đầu tư FDI mạnh hơn.
Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc cần cải tổ các quy định quá chặt chẽ trong khu vực đô thị. Luật Quy hoạch tái tổ chức khu vực đô thị hiện tại đang gây ra nhiều hạn chế đầu tư như quy định đánh thuế nặng khi mua bất động sản khi thành lập công ty tại 16 “khu vực tập trung mật độ cao”, bao gồm cả Seoul.
Ahn Byeong-soo, Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Kỹ thuật số Seoul, cho biết trong lĩnh vực công nghệ cao, sẽ có nhiều công tư không đổ vốn đầu tư trừ khi có cơ sở nằm trong khu vực đô thị. Trong khi đó, Giáo sư Oh Joon-seok cho rằng cần cải thiện vấn đề cứng nhắc trong quản lý thị trường lao động. Theo Giáo sư này, Hàn Quốc hấp dẫn ở chỗ nguồn nhân lực có trình độ cao, nhưng nhiều công ty nước ngoài ngần ngại đầu tư vì khó tuyển dụng và sử dụng linh hoạt nguồn nhân lực.