Hàng giả, hàng xách tay đang nắm giữ thị trường mỹ phẩm

18:31 | 28/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ở thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%.

Đây là thông tin được bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oreal Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả VACIP đưa ra  tại diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” vừa được Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây.

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, từ năm 2015, hàng giả được biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng, doanh thu được ghi nhận từ một trang mạng vào thời điểm đó là hơn 1 tỷ đồng/tháng. Việc quảng cáo cho hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy, gây nhầm lẫn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Hàng mỹ phẩm thông qua đường hàng không hiện tại chính là nguồn hàng nhập lậu phổ biến.

Hàng giả, hàng xách tay đang nắm giữ thị trường mỹ phẩm - ảnh 1
Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trên thực tế, còn có nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia quảng bá cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Trong đó, không ít sản phẩm còn nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Từ đó cho thấy, việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt qua mạng làm cho việc chống hàng giả của doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường trở nên khó khăn, do khả năng điều tra và kiểm tra các kho hàng được đặt trong các hộ gia đình là không khả thi.
Bà Trinh nêu dẫn chứng, ở thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline). Việc hàng giả nắm giữ thị trường đã và đang gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực, như gây ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng đang bị lừa dối và Chính phủ thất thu nguồn thuế lớn.
Để có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, bà Trinh kiến nghị: Cần xử lý hiệu quả nguồn hàng xách tay và hàng nhập lậu tại các khu vực sân bay, đặc biệt là tại hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, cần hủy bỏ quy định phải có Chứng chỉ CFS (tự do mậu dịch) mà Cục Quản lý dược, Bộ Y tế quy định từ nhiều năm qua. Theo bà Trinh, đây không phải là giải pháp cho mục tiêu đảm bảo hàng mỹ phẩm chất lượng đến thị trường, bởi chứng chỉ này không liên quan đến chất lượng hàng hóa.
Trong khi đó, với thời gian chờ cấp CFS lên đến 6 tháng tại các quốc gia, thị trường mỹ phẩm trong nước bị bỏ ngỏ đã thúc đẩy lực lượng buôn lậu và sản xuất hàng giả nhanh chóng phủ kín thị trường để đáp nhu cầu người tiêu dùng, trong khi những sản phẩm này đã được tung ra khắp thế giới nhưng lại chưa có ở Việt Nam. Và đây là gốc của vấn đề hàng giả và hàng xách tay nhập lậu.
Hàng giả, hàng xách tay đang nắm giữ thị trường mỹ phẩm - ảnh 2
 Ảnh minh họa.
Đối với Cục Thương mại điện tử, Kinh tế số và Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, bà Trinh cho rằng, công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra các cửa hàng online, do không có quy định rõ ràng và không có chế tài ngăn chặn, mặc dù các cửa hàng online đang trở thành nơi phân phối chính cho nguồn hàng nhập lậu và hàng giả của quốc gia.
Đại diện hãng mỹ phẩm L’Oreal nhấn mạnh thêm, có thể thấy nền kinh tế mạng đang được ưu ái, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra các quy định liên quan đến việc bảo vệ thương quyền, kinh doanh trên mạng. Những người tham gia kinh doanh mỹ phẩm trên mạng phải thực hiện đăng ký kinh doanh và nộp thuế cho Chính phủ, phải tuân thủ theo các quy định kinh doanh hàng mỹ phẩm như có công bố mỹ phẩm từ Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, khẳng định việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính.
Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server đặt tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.
“Nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao. Tuy nhiên, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, trong khi bản thân người mua hàng rất khó phát hiện”, ông Dương chia sẻ.