Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm

21:48 | 30/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đầu tư các gói nhiệm vụ với nội dung chỉ cần like video trên Tiktok là tiền tự chảy về tài khoản, hàng ngàn người đã sập bẫy lừa. Ảo vọng “há miệng chờ sung” thu nhập cả trăm triệu đồng bỗng chốc tan thành mây khói.
Thời gian gần đây, hình thức kêu gọi đầu tư thông qua website, ứng dụng di động để "làm nhiệm vụ" bấm like, bấm theo dõi các tài khoản trên mạng xã hội TikTok để kiếm tiền mỗi ngày xuất hiện tại Việt Nam.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 1
Đầu tư các gói nhiệm vụ với nội dung chỉ cần like video trên Tiktok là tiền tự chảy về tài khoản, hàng ngàn người đã sập bẫy 

Lợi nhuận từ việc làm nhiệm vụ "tương tác dạo" trên TikTok này được quảng cáo có thể lên đến hơn 1.700% một năm. Thế nhưng thực tế "tuổi thọ" của các dự án này lại chỉ có thể tính bằng tháng khi chúng đều đột ngột "bốc hơi" sau một thời gian ngắn huy động được hàng chục tỷ đồng từ hàng nghìn người dân.

Sau những video quảng cáo trông vui nhộn về ứng dụng "like dạo" để kiếm tiền trên TikTok là những giọt nước mắt của những người đã trót tham gia.

Like video Tiktok là có tiền?


VTV đưa tin, cuối tháng 10 vừa qua, chị Tú tham gia các lớp học dạy khởi sự kinh doanh và được người đứng lớp là doanh nhân giới thiệu đầu tư vào dự án làm nhiệm vụ "tương tác dạo" cho các tài khoản trên TikTok.

Bị thuyết phục rằng đây là cơ hội làm giàu, chị đã bỏ ra hơn 130 triệu đồng để mua 4 gói nhiệm vụ.

"Nếu như vào gói lớn nhất là 33 triệu, mỗi ngày bọn em sẽ xem 150 clip trên TikTok thông qua app này. Bấm like hoặc follow hoặc comment, sau khi hết clip sẽ quay lại app và bấm hoàn thành.
1 clip sẽ nhận được 12.000 đồng, xem hết 150 clip sẽ nhận được 1,8 triệu đồng/ngày. Học ngày 27/10 xong thì đến ngày 28 - 29, hầu hết mọi người đều 'vào', đến ngày 3/11 là nó sập, gần như là mất trắng", người tham gia "dự án kiếm tiền trên TikTok" Aizan cho biết.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 2
Video quảng cáo về ứng dụng "like dạo" để kiếm tiền trên TikTok


Tương tự, Báo Lao động cho biết, vào một ngày đầu tháng 11, anh Phan Văn Tân (sinh năm 1990, Xuân Đỉnh, Hà Nội) được một người quen giới thiệu cho website có tên Like Share (tại địa địa chỉ likevi789.com), một trang được cho là có thể kiếm tiền thông qua việc nhấn like các video trên ứng dụng Tiktok.

Theo đó, trang web này đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên bao gồm Đồng, Bạc, Vàng, Bạch Kim và Kim Cương với các mức giá từ 960 ngàn đồng đến 27 triệu đồng. Nhiệm vụ để kiếm tiền cũng hết sức đơn giản.

Thành viên chỉ cần lên Tiktok, nhấn follow và like bất kỳ một video nào rồi chụp ảnh màn hình gửi cho website này. Gói có mức giá càng lớn thì được làm càng nhiều nhiệm vụ trong một ngày. Khi hoàn thành các gói nhiệm vụ, thành viên có thể có thu nhập lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng và hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Muốn lời được cao thì phải mua gói đắt tiền, làm được nhiều nhiệm vụ. Mình khi vào mua ngay gói Bạch Kim, được khuyến mãi còn 8.600.000, làm 68 nhiệm vụ/ngày. Theo họ hứa hẹn chỉ việc like video Tiktok rồi báo về là có hơn 20 triệu đồng/tháng, gần 250 triệu đồng/ năm. Mà cái này cứ hết ngày là tiền nó về tài khoản ngay nên người ta tham gia đông lắm" - anh Tân cho biết.

Đáng chú ý, theo anh Tân cho biết, hệ thống của trang Like Share còn có cách thức mở rộng thành viên kiểu đa cấp. Thành viên cũ khi mời thêm được người mới sẽ được hưởng “hoa hồng" ứng với số tiền mà người mới mua gói nhiệm vụ.

“Mọi người cứ rủ nhau vào chơi, mỗi người có một cái mã số. Lúc đăng ký cho người mới của mình, họ sẽ nhập cái mã giới thiệu đấy vào là mình được hưởng phần trăm của họ. Khi họ mua gói nhiệm vụ là mình sẽ có tiền" - anh Tân nói.

Cụ thể, cấp trên sẽ được hưởng 15% từ người mới do mình trực tiếp giới thiệu (còn gọi là F1), hưởng thêm 6% từ người mà F1 giới thiệu (tức F2) và hưởng tiếp thêm 3% từ người F2 giới thiệu (tức F3).

Chưa kể, để hút người dùng nạp tiền mua gói nhiệm vụ, trang web Like Share còn thường xuyên đưa ra các chương trình giải thưởng, quảng cáo sẽ tặng điện thoại thông minh, thậm chí là tặng ôtô cho thành viên tích cực.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 3
Hệ thống kiếm tiền online từ like video TikTok còn quảng cáo sẽ tặng thưởng cả ôtô cho thành viên tích cực. Ảnh: Báo Lao động

Theo tìm hiểu của Báo Lao động, Like Share không phải hệ thống duy nhất tồn tại, cũng với phương thức hoạt động là yêu cầu người dùng like các video trên Tiktok để kiếm tiền, một trang mạng khác có tên Golden Hand thu hút đông đảo người dùng tham gia với hứa hẹn lãi suất “khủng".

Theo anh Lê Văn Đại (28 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, Golden Hand (tại địa chỉ goldfingeronline.com) bán các gói nhiệm vụ like video TikTok với tên gọi từ “vip1” đến “vip4”, tương ứng với số tiền nạp vào từ 500.000 đồng đến hơn 60 triệu đồng. Chưa hết, một gói vip có thể mua được nhiều gói nhiệm vụ để tăng thu nhập cho mình. Trang này quảng cáo thu nhập của gói cao nhất lên tới 21 triệu đồng mỗi tháng và 260 triệu đồng mỗi năm.

Để mở rộng thành viên, Golden Hand cũng trả hoa hồng tương ứng với các gói vip. Đơn cử như người tham gia gói vip4 sẽ được hưởng 14% số tiền mà F1 do mình giới thiệu và cả từ những cấp dưới tiếp theo khi họ gia nhập hệ thống.

Các dự án quảng bá là kiếm tiền trên TikTok đều vẽ ra một kịch bản chung đó là hiện nay trên thị trường có nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn nổi tiếng sẵn sàng chi tiền cho TikTok để mua lượng người theo dõi, lượt yêu thích. TikTok sẽ dùng nguồn tiền này để thuê người tham gia tăng tương tác trên nền tảng.

Cái bẫy nằm ở chỗ người muốn tham gia trước hết phải nạp tiền theo từng gói hạn mức để có được số nhiệm vụ mỗi ngày tương ứng.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 4
Nhiều ứng dụng hứa hẹn cung cấp tương tác trên TikTok để đổi lấy quyền truy cập vào số điện thoại người dùng, bao gồm cả danh bạ. Ảnh: Google Play

"Những bạn vào trước bảo là nếu không nạp tiền vào thì cứ ai rảnh là làm thì đâu có được. Họ đưa ra các gói như vậy giống như để mình có trách nhiệm với việc mình làm", người tham gia "dự án kiếm tiền trên TikTok" iClick cho hay.

"Làm nhiệm vụ em phải ấn tay, mất thời gian... Em nghĩ bỏ công sức ra như vậy thì một ngày được 400.000 chắc cũng đúng. Lúc đầu em cũng không nghĩ là lừa đảo, vì mỗi đêm em cũng thức 4 - 5 tiếng để làm", người tham gia "dự án kiếm tiền trên TikTok" Golden Hand chia sẻ.

Hàng nghìn người "sập bẫy"


Các gói mua nhiệm vụ được vẽ ra là hoàn vốn trong chưa đầy 20 ngày. Lợi nhuận sau đó mang về có thể lên đến hơn 1.700% một năm đã khiến nhiều người "mờ mắt".

Đến ngày 15 và 18/11, hệ thống của Like Share và Golden Hand bất ngờ dừng hoạt động. Khách hàng không thể rút được tiền như những ngày trước đó và website đã không thể truy cập. Hàng nghìn nạn nhân ngã ngửa vì trót nạp vào các hệ thống này một lượng tiền lớn mà không kịp trở tay.

“Chúng tôi không biết tìm ai cả. Mỗi lần chuyển khoản nạp tiền lại có một địa chỉ khác nhau. Trang web cũng không ghi rõ tên tổ chức, công ty hay cá nhân nào đứng sau để giải quyết vụ việc" - anh Phan Văn Tân, người tham gia hệ thống của Like Share nói với phóng viên.

Trong một nhóm kín tập hợp các nạn nhân bị mất tiền khi đầu tư vào Like Share, nhóm này có gần 2.000 thành viên liên tục đăng tải biên lai chuyển khoản mua gói nhiệm vụ để tố cáo. Chị Nguyễn Thị Thoa (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết tham gia hệ thống của Like Share từ ngày 10/11. “Ở Bắc Ninh nhiều người tham gia cái này lắm. Thể lệ chơi là được nhận tiền khi like video trên TikTok. Nhưng tôi vào được mấy hôm thì sập” - chị Thoa nói.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 5
Ảo vọng “há miệng chờ sung” thu nhập cả trăm triệu đồng bỗng chốc tan thành mấy khói. Ảnh: Fanzter

Người này cho biết đã ban đầu tham gia gói Bạch Kim với giá 8.400.000 đồng và sau đó nạp thêm 38.000.000 đồng để nâng cấp tài khoản. Tuy nhiên mới làm nhiệm vụ được vài hôm và rút được khoảng 10.000.000 đồng thì hệ thống đã ngừng hoạt động.

Một trường hợp tương tự khác, chị Nguyễn Thị Hiền (địa chỉ tại Lâm Đồng) cho biết tham gia hệ thống Like Share này từ ngày 9/11. “Tôi tham gia hệ thống này qua giới thiệu của một người bạn. Lúc đầu tôi nạp 2.700.000 đồng tương đương với gói Vàng. Sau đó tôi tiếp tục nạp 17.000.000 đồng để nâng cấp. Nhưng mới thu về được gần 2.000.000 đồng thì không thể rút thêm được nữa" - chị Hiền nói.

Theo cập nhật của Báo Lao động, hiện các nạn nhân bị mất tiền bởi hệ thống kiếm tiền từ like video trên Tiktok đã làm đơn gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để tố cáo sự việc.

Trả lời phóng viên VTV, phát ngôn viên của TikTok tại Việt Nam khẳng định không có bất kỳ hình thức liên kết nào với tổ chức, cá nhân bên ngoài để mua lượt tương tác trên nền tảng này.

"Tại TikTok, chúng tôi không cho phép những nội dung lừa đảo, dễ gây hiểu lầm, gây nguy hại đến cộng đồng người dùng, bao gồm thao túng các cơ chế của nền tảng nhằm tăng chỉ số tương tác...", phát ngôn viên TikTok nhấn mạnh.

Sau khi các dự án quảng bá là kiếm tiền trên TikTok như: Aizan, iClick, Golden Hand... lần lượt bị sập chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn người tham gia đang tập hợp và có đơn tố cáo lên cơ quan công an. Ước tính, tổng số tiền người dân bị thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nguồn gốc bí ẩn của "đội quân" tương tác ảo


Việc mua bán tương tác ảo vốn không có gì quá xa lạ trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy số tiền người dùng chi ra không khiến video TikTok của mình trở nên phổ biến, nhưng việc giao dịch tương đối đơn giản, 9 ngày sau, TikTok vẫn không hề phát hiện ra thủ thuật này.

“Lượt thích, lượt theo dõi và chia sẻ dựa trên trả phí trên bất kỳ nền tảng nào về cơ bản là một trò chơi số. Điều này có thể giúp bài đăng trông phổ biến và đáng tin cậy”, Ben Nimmo, Giám đốc điều tra mảng thông tin sai lệch của công ty bảo mật Graphika cho biết.

Với TikTok, người dùng chỉ cần tạo tài khoản, tìm kiếm một số chủ đề họ quan tâm và sau đó sẽ được giới thiệu một loạt các video ngắn để xem. Mỗi khi người dùng tương tác với nội dung (xem hết video, thích, chia sẻ hoặc bình luận), TikTok sẽ nhanh chóng đưa ra những video đề xuất tương đương khác và hiển thị trong phần “Dành cho bạn”.

Khác với những nền tảng mạng xã hội sử dụng biểu đồ xã hội để đề xuất nội dung xem của người dùng thông qua những người họ theo dõi, TikTok sử dụng các thông số như thời gian mà một người xem hết video hay những tương tác của họ.

Việc mua các gói tăng tương tác cũng vô cùng đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy các website bày bán dịch vụ và họ có đầy đủ hình thức thanh toán, chi phí cũng không hề đắt đỏ.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 6
Các tương tác ảo có thể giúp video trở nên phổ biến, thao túng nội dung người xem

Tuy nhiên, sau khi trả 12 USD để thử nhận được 250 người theo dõi cho tài khoản TikTok của mình, những “fake account” này hầu như sử dụng ảnh hồ sơ về động vật hoặc những vật dụng linh tinh, một số có tên đầy đủ, số khác thì có tên sẽ theo dạng “user2299926639189”, trông rất dễ nghi ngờ.

“Nếu nhìn qua thì những tài khoản ảo này có chất lượng trung bình, không quá tệ mà cũng không quá xuất sắc. Một tài khoản ảo chất lượng cao thường sẽ là các tài khoản mà chủ nhân của nó bị chiếm quyền, có đầy đủ bài đăng, trong khi chất lượng thấp sẽ trống trơn không có tùy chỉnh”, Zarine Kharazian, trợ lý biên tập tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số (DFRLab) nhận xét.

Những tài khoản này nằm đâu đó ở giữa hai cấp độ, có ảnh hồ sơ, thông tin cơ bản hay thậm chí video riêng. Một nhóm các tài khoản khác thì đều có chung ảnh người mẫu nữ làm ảnh đại diện. Chỉ cần để ý kỹ, sẽ dễ dàng nhận thấy chúng đều được tạo nên bởi một người.

Ngoài ra, các tài khoản ảo này đều theo dõi chung hoặc tương tác với nhiều tài khoản ảo khác đang theo dõi TikTok của người mua like ảo, có lẽ là để tránh sự nghi ngờ và cố thể hiện rằng đây là một tài khoản TikTok do người dùng thật sự sở hữu.

“Xin lỗi, tôi chỉ có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến đơn đặt hàng của quý khách. Cảm ơn vì đã thông cảm và chúc bạn một ngày tốt lành”, đại diện website gửi email cho người dùng khi bị khiếu nại. Đáng chú ý, phản hồi của họ còn có cả ngày giờ bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

TikTok hành động hời hợt và không triệt để


Điều đáng nói, những hành vi này không giới hạn trên TikTok mà còn xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, Facebook hay Reddit. Không chỉ vậy, trong những năm trở lại đây, việc thuê các bên thứ 3 nhằm quảng bá bài đăng, video đang khiến nhiều nền tảng mạng xã hội tràn lan tin tức dối trá, sai lệch và gây chia rẽ.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 7
CEO của TikTok Kevin Mayer thách thức sự minh bạch của giới công nghệ toàn thế giới. Ảnh: Getty Images

“TikTok cam kết bảo vệ sự an toàn, tính toàn vẹn và xác thực của cộng đồng. Chúng tôi sử dụng cũng như kết hợp các biện pháp kiểm soát bảo mật dựa trên công nghệ và sự đánh giá của con người để giảm thiểu spam, gian lận trên nền tảng, bao gồm cả việc mua tương tác vốn vi phạm Nguyên tắc cộng đồng, chúng tôi sẽ nhanh chóng xử lý các tài khoản vi phạm điều khoản dịch vụ.

Thấu hiểu tầm quan trọng của những mối đe dọa gây ra bởi spam hay gian lận, TikTok sẽ tiếp tục đầu tư vào các giải pháp để tăng cường cơ sở hạ tầng bảo mật và đón đầu thách thức này”, đại diện của TikTok chia sẻ với Motherboard trong email.

Vào tháng 7, CEO của TikTok Kevin Mayer đã có động thái “vô tiền khoáng hậu” khi tuyên bố công khai các thuật toán được sử dụng để sắp xếp và chia sẻ video của người dùng, đồng thời cho phép các chuyên gia theo dõi những chính sách kiểm duyệt của công ty.

Thế nhưng, không lâu sau đó, TikTok cho biết họ sẽ hoãn lại kế hoạch này do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thận trọng với việc đầu tư trên mạng


Kiếm tiền online từ tương tác video Tiktok thực chất là một hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình, hòng kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ mất dạng để chiếm đoạt tài sản. Các trang web hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc.

Trước đó, nhiều người dân trên cả nước cũng trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mời xem video để kiểm tiền. Thành viên được yêu cầu nạp 250.000 đồng để xem các video trên YouTube và sẽ có tiền. Nhưng sau đó các trang web cũng bất ngờ dừng hoạt động.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm - ảnh 8
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) trả lời báo chí, đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc có thể trở thành công cụ để thực hiện hành vi rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Trong khi nhiều hoạt động huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo và ngày càng biến tướng, luật sư khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi bỏ vốn đầu tư vào bất cứ hoạt động nào trên mạng.

“Nhà đầu tư không nên tham gia những hoạt động như vậy, bởi nếu có rủi ro xảy ra thì không được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần xem xét, chú ý những giao dịch qua tài khoản đáng ngờ khi số tiền giao dịch quá lớn và phải báo cáo ngay cho ngân hàng nhà nước biết” - luật sư Lực cho biết.
 
Hàng nghìn người `sập bẫy` chiêu thức lừa đảo `like dạo` trên TikTok kiếm lời hơn 1.700%/năm. Nguồn: VTV
 
Hải Yến