Hành nghề dịch vụ pháp lý: Phải tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN

18:06 | 28/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là quan điểm của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Pháp chế khi được hỏi về quan điểm của Bộ trước những tranh cãi về quyền hành nghề dịch vụ pháp lý thời gian gần đây.

Hành nghề dịch vụ pháp lý: Phải tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN - ảnh 1
Nguồn: Internet. 

Vụ phó Vụ Pháp chế Quách Ngọc Tuấn cho rằng, đăng ký kinh doanh ngành nghề tư vấn pháp luật là vấn đề xã hội rất quan tâm, mà cụ thể là liên quan đến quyền tự do kinh doanh của công dân.

Hiện có hai quan điểm khác nhau: Có quan điểm cho rằng hoạt động tư vấn pháp luật hiện nay chỉ có luật sư, hoạt động theo Luật Luật sư. Có quan điểm khẳng định trừ những hoạt động mang tính tham gia tự túc thì ngoài luật sư, còn có các đối tượng khác tham gia.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hành nghề dịch vụ pháp lý phải làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, ngoài luật sư còn có các đối tượng khác được phép tham gia đăng ký kinh doanh ngành nghề này. Bởi vì:

Thứ nhất, về mặt pháp lý, Luật Luật sư quy định 4  nhóm hành nghề luật sư đó là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các ban tư vấn pháp luật khác. Luật Luật sư quy định luật sư có quyền làm những điều đó nhưng không quy định chỉ có luật sư mới được duy nhất làm.

“Hiến pháp 2013 chỉ rõ mọi người đều có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Quan điểm như vậy chúng tôi cho rằng đối với hoạt động kinh doanh pháp luật Luật Luật sư không có quy định những người không phải là luật sư không được tham gia các hoạt động tư vấn pháp lý và Luật Doanh nghiệp cũng như vậy”, ông Tuấn khẳng định.

Thứ hai, về nguyên tắc, nếu quan điểm phạm vi hành nghề của luật sư chỉ có luật sư mới được làm thì rất bó hẹp cách tiếp cận đến môi trường pháp lý của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ tư vấn pháp luật là một khái niệm rất rộng. Chúng ta tư vấn thuế, tư vấn thủ tục hành chính, đó cũng là tư vấn pháp luật. Nếu điều này bắt buộc phải dùng luật sư thì đối tượng cung cấp dịch vụ này rất hạn chế, quyền tiếp cận dịch vụ của người dân rất hạn chế.

Bên cạnh đó, trong phạm vi hành nghề mà luật sư được làm có đại diện ngoài tố tụng, nếu tất cả người đại diện đang được điều chỉnh bằng Luật Dân sự mà chỉ có luật sư được làm thì sẽ tạo nên một hệ lụy rất lớn.

“Câu chuyện ở đây chỉ là một ngành nghề đăng ký kinh doanh trong hàng trăm, hàng nghìn ngành nghề đăng ký kinh doanh và đó là câu chuyện tương đối lớn liên quan đến quyền kinh doanh và quyền tiếp cận hoạt động tư vấn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp”, theo Vụ phó Vụ Pháp chế.