Hành trình từ giảng đường đến thương trường của một số Doanh nhân Việt xuất thân là nhà giáo
Ông Trần Mộng Hùng - Nhà sáng lập ngân hàng ACB
Ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980). Vốn có bề dày kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng bạn bè quyết định làm kinh doanh và đã xây dựng ACB thành ngân hàng lớn mạnh, có đóng góp thiết thực và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước
Với 35 tuổi nghề ngân hàng, ông Hùng có 15 năm giữ ghế Chủ tịch ACB. Năm 2008, ông Hùng rút khỏi HĐQT và chỉ giữ vị trí cố vấn quản trị. Tuy nhiên, đến năm 2012, khi ACB đứng trước một số khó khăn ông đã quay trở lại vị trí HĐQT, để cùng tập thể ACB vượt qua sóng gió.
Đến năm 2018, ông Trần Mộng Hùng đã rời HĐQT ACB, sau đó chuyển nhượng cổ phiếu của mình cho các con. Người sáng lập ACB cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh với thế hệ lãnh đạo thứ 2 của ngân hàng này.
Người thay thế ông Trần Mộng Hùng dẫn dắt ACB hiện nay chính là con trai ông - Doanh nhân Trần Hùng Huy. Vào thời điểm được bổ nhiệm làm Chủ tịch ACB, ông Huy là Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống
Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên được biến đến là một trong những nữ Doanh nhân thành đạt. Bà cũng là gương mặt quen thuộc, chiếm được tình cảm của nhiều người với cương vị là một Shark nữ khả ái, thông minh tại chương trình Shark Tank Việt Nam.
Trước khi trở thành doanh nhân bà Liên từng là một giáo viên dạy Văn. Nhưng với cá tính mạnh mẽ và ham muốn luôn được sáng tạo, thử thách vượt qua những giới hạn của chính mình, bà quyết định tạm xa nghề giáo để dấn thân vào kinh doanh.
Năm 1996, bà bắt đầu tham gia vào lĩnh vực Bảo hiểm tại Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh và làm việc ở đây trong 8 năm.
Năm 2005, bà sáng lập thương hiệu bảo hiểm AAA, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA.
Năm 2013, bà Liên rút khỏi ngành Bảo hiểm sau khi bán lại toàn bộ cổ phần của mình cho Tập đoàn IAG của Úc với lý do muốn trải nghiệm những lĩnh vực mới. Việc rút vốn này nằm trong chiến lược đầu tư tài chính mới của bà Liên trong năm 2013.
Bên cạnh đó, bà sáng lập tập đoàn AquaOne – chuyên xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; công ty nước mặt Sông Đuống, mở trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp và sáng lập Quỹ Môi trường xanh Việt Nam.
Năm 2018, bà Liên trở lại lĩnh vực Bảo hiểm sau 5 năm tạm ngưng theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của AAA với một sản phẩm mới kết hợp giữa Bảo hiểm và Công nghệ: Ứng dụng Bảo hiệm Công nghệ có tên gọi LIAN.
Năm 2019, bà Liên tham gia chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) mùa 3 với tư cách Shark (Nhà đầu tư) chính. Trong tập 15 của Shark Tank Việt Nam, Shark Liên quyết định rót vốn 10 tỷ cho 15% cổ phần để khôi phục làng nghề nước mắm cổ truyền cùng lời cam kết xây dựng một bảo tàng để lưu giữ giá trị văn hóa.
Chủ tịch Tập đoàn Bkav Nguyễn Tử Quảng
Trước khi trở thành doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng từng là sinh viên xuất sắc của Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở thời điểm mà Việt Nam vẫn chưa hòa mạng toàn cầu, ông đã cùng bạn bè thực hiện các chương trình chống virus và cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng đến năm 2005.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông Quảng được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, khoa Công nghệ Thông tin. Trong suốt quá trình hành nghề giáo, ông vẫn tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu, phát triển phần mềm diệt virus.
Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (BKIS) được ông Quảng cùng 9 thành viên khác thành lập sau đó ít năm (cuối năm 2001) dưới sự bảo trợ của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ở đó ông Quảng đảm nhiệm chức vụ giám đốc Trung tâm từ khi thành lập đến nay.
Năm 2005 khi Bkav được thương mại hoá cũng là lúc Tập đoàn Công nghệ Bkav ra đời. Dưới sự dẫn dắt của ông Quảng, đến nay Bkav có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, với các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng, phần mềm, smartphone và các thiết bị điện tử thông minh...
Bà Trần Thị Việt Ánh – Cựu Tổng giám đốc Saigonbank
Bà Trần Thị Việt Ánh – Cựu tổng giám đốc Saigonbank là một “banker” có uy tín trong giới tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế năm 1981, bà Ánh về giảng dạy tại Khoa Kế toán Ngân hàng - Đại học Ngân hàng TP.HCM, sau đó là chuyên viên Vụ Phát hành - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà Ánh tham gia Saigonbank từ năm 1994 với cương vị Phó Tổng Giám đốc. Đến năm 2004, bà là Tổng Giám đốc Saigonbank. Năm 2012, bà giữ cương vị thành viên HĐQT của Ngân hàng này.
Sau 23 năm gắn bó, bà Trần Thị Việt Ánh đã thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Saigonbank để nghỉ theo chế độ kể từ tháng 6/2017.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT
Từ một cán bộ nghiên cứu với tấm bằng tiến sĩ danh giá tại Liên Bang Nga, ông Trương Gia Bình về nước năm 1982 và công tác tại Viện cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Giai đoạn 1983-1989, ông công tác tại các viện nghiên cứu tại Nga và Đức. Tuy nhiên với vươn lên, đóng góp vào sự thay đổi, phát triển của đất nước, năm 1988 ông Trương Gia Bình đã quyết định làm kinh doanh với "đứa con tinh thần" là công ty FPT cùng 13 thành viên.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dù đã đạt được nhiều thành công lớn trong kinh doanh nhưng “duyên nợ” với sự nghiệp giáo dục của ông thì vẫn còn rất mặn mà, sâu sắc.
Ông được biết đến là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập từ năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA ( Thạc sĩ Quản trị-Kinh doanh) có uy tín lớn tại Việt Nam.
Năm 2006, công ty của ông đã mở trường Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam do ông nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy. Một số môn học ông trực tiếp đứng lớp là môn Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp...
Không hề nói quá khi cho rằng cái duyên với ngành giáo dục vẫn đi theo ông Trương Gia Bình trong suốt quá trình kinh doanh của mình.