Hậu chuyển nhà sang HoSE, Mộc Châu Milk báo lãi quý II giảm 39%

Trang Mai 15:52 | 22/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Doanh thu tăng nhưng giá vốn tăng nhanh hơn, cộng thêm chi phí bán hàng với hoạt động tiếp thị quảng cáo và mở rộng mạng lưới phân phối đã khiến lợi nhuận quý II của CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, mã: MCM) giảm sâu so với cùng kỳ.

Theo kết quả kinh doanh quý II vừa công bố, CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu (mã: MCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 809 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn hàng bán, Mộc Châu Milk thu về 248 tỷ đồng lợi nhuận gộp, gần như đi ngang so với quý II/2023. 

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 50% do lãi suất tiền gửi giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt 49,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 73,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lãi chênh lệch tỷ giá ghi nhận ở mức 16,6 triệu đồng, tương ứng giảm 96% so với con số 432,5 triệu đồng của quý II/2023.

Chi phí bán hàng 194 tỷ đồng, tăng 11% do công ty tăng các hoạt động tiếp thị quảng cáo và mở rộng mạng lưới phân phối. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 4% còn 9 tỷ đồng.

Kết quả, Mộc Châu Milk báo lãi sau thuế 56 tỷ đồng, thấp hơn 39% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Mộc Châu Milk mang về 1.434 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm 45%, về 106 tỷ đồng.

Năm nay, Mộc Châu Milk đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến đạt hơn 3.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 332 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Mộc Châu Milk đã hoàn thành 42,6% mục tiêu doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

 

Mức cổ tức năm 2024 được dự tính chia tối thiểu 50%/lợi nhuận sau thuế. “Mức cổ tức này thể hiện cam kết của Công ty đối với nhà đầu tư và cổ đông trong việc duy trì chính sách cổ tức cao bằng tiền mặt”, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2024. 

Mộc Châu Milk tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1958 với tên gọi Nông trường Quân đội Mộc Châu. Đến năm 2016, công ty đã được cổ phần hóa hoàn toàn. Trong đó, 51% vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã: VLC). Trong khi đó, GTNFoods lại nắm giữ 74,5% vốn điều lệ tại Vilico.

Tháng 12/2019, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) gia tăng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods từ 43% lên 75%. Qua đó, đưa  Mộc Châu Milk trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk.

Hiện Mộc Châu Milk đang có hai cổ đông lớn là Vilico với tỷ lệ sở hữu 59,3% vốn và Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 8,85% vốn. Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Vinamilk đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2024, quy mô tài sản của Mộc Châu Milk đạt 2.607 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn ghi nhận gần 1.530 tỷ đồng, chiếm tới 59% tài sản ngắn hạn. Lượng hàng tồn kho còn 260 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm, tăng hơn 40% so với đầu năm. 

Tổng nợ phải trả của Mộc Châu Milk tính đến hết quý II là 294 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm gần 99%. Trong đó vay ngắn hạn 21 tỷ đồng, đây là khoản vay có kỳ hạn 6 tháng, chịu lãi suất cố định và không có bảo đảm. 

Vốn chủ sở hữu ghi nhận 2.313 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm, trong đó bao gồm 247 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Trong một diễn biến khác, ngày 25/6 vừa qua, 110 triệu cổ phiếu MCM của Mộc Châu Milk đã được niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu 42.800 đồng/cổ phiếu. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu.

Kế hoạch "chuyển nhà" từ UPCoM sang HOSE đã được cổ đông Mộc Châu Milk thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Trước đó, cổ phiếu MCM được niêm yết trên sàn UPCoM kể từ tháng 12/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cổ phiếu.