Hậu COVID-19: DN phòng thủ, tấn công và chủ động trong bất định
Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: Bão dịch COVID-19 đã đảo lộn mọi khía cạnh đời sống con người, vô cùng nghiêm trọng.
Các biện pháp cách ly địa giới và giãn cách xã hội khiến chính phủ các nước buộc phải “gây khó” cho doanh nghiệp, sau đó, buộc phải tìm giải pháp mở cửa lại nền kinh tế. Dự báo tác động của đại dịch đang rất khó đoán định, đã có nhiều hình vẽ về mô hình tác động. Đa số các quan điểm cho rằng mô hình chữ V khó có khả năng xảy ra bởi cách thức ứng xử với dịch rất khác và khả năng phục hồi yếu hơn so với dự báo trước đó.
Theo TS. Võ Trí Thành, để quay lại tăng trưởng kinh tế trước thời điểm COVID-19 diễn ra cần phải sang tới năm 2021. COVID-19 đang làm thay đổi nội hàm của các xu hướng lớn trên thế giới, đáng chú ý, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mạnh hơn, vấn đề Hồng Kông, Biển Đông… bị đẩy cao hơn.
Bên cạnh thị trường chi phối, giờ đây chính trị chi phối rất nhiều chuyển dịch của chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị sản xuất kết nối, đối tác chiến lược đang được giao cho nước nào đáng tin nhất thay vì hiệu quả nhất trước đó. Rủi ro và bất định không tiên liệu được, bởi vậy, rất nhiều tập đoàn đã tiếp cận với nhiều cái mới trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
Chiến lược không còn dài hạn, dài nhất chỉ tới 3 năm. Kế hoạch được thực hiện cuốn chiếu và nhiều doanh nghiệp đã có phòng tác chiến ứng xử luôn vấn đề bất thường.
Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi giá trị do buộc phải giãn cách xã hội, khiến phí tổn rất cao.
Bức tranh kinh tế 6 tháng 2020 cho thấy 90% người Việt giảm thu nhập (theo khảo sát của Ipsos) và 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng, tỉ lệ lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong 10 năm (theo khảo sát của MOLISA). Tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81%, thấp nhất trong 3 thập niên qua.
Triển vọng kinh tế Việt Nam còn nhiều u ám. Năm 2020, các dự báo cho thấy tình huống xấu nhất cho tăng trưởng GDP là 1,5%, cao nhất là 4%.
Dự báo, Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt nhất thế giới nhưng với một nước đang phát triển như Việt Nam thì con số đó là suy thoái. GDP tăng trưởng dưới 4% là không đủ hỗ trợ cho việc làm.
Kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 đang bắt đầu “lăn ra đường băng” nhưng chưa biết bay ra sao. Nhân tố quyết định nhất cho nền kinh tế vẫn là hỗ trợ doanh nghiệp, khống chế được dịch, thị trường mở cửa trở lại. Cùng với đó, doanh nghiệp phải giữ được lao động, giữ được thị trường, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số, tăng cường chất lượng cho sản phẩm.
“Một mình doanh nghiệp không đủ sức vượt khó. Chính phủ cần tiến hành các gói kích thích kinh tế mới cho cả năm 2021; bổ sung thêm các biện pháp hoãn giãn thuế, giảm phí công đoàn, hỗ trợ một số tập đoàn, không phân biệt đối xử; giúp doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc theo hướng tận dụng cơ hội, kết nối, sáng tạo gắn với chuyển đổi số, tuân thủ pháp luật, xây dựng thương hiệu”, ông Thành nói.
Nhấn mạnh về mô hình trong và sau COVID-19, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng với việc kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 5,8-8,8 nghìn tỷ USD (tương đương với 6,4-9,7% GDP toàn cầu) thì triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu khả năng cao là hình chữ U, tuy nhiên mô hình theo hình chữ M ngược có thể xảy ra nếu làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai ở diện rộng.
Kinh tế thế giới năm 2020 suy thoái sâu, giảm khoảng 4-6% so với 2019, nhưng sẽ phục hồi trong năm 2021, với tăng trưởng 3,3% (theo IMF), lạm phát ở mức thấp khoảng 1,8% (từ mức 2,5% năm 2019) và có thể tăng trở lại mức 2,4% năm 2021.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy bị tác động rất mạnh từ COVID-19 nhưng 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam vẫn có 6 điểm sáng. Đó là phòng chống dịch đạt kết quả tích cực; nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng, bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu phục hồi từ tháng 4/2020; giải ngân đầu tư công cải thiện tích cực; tỉ giá duy trì xu hướng ổn định, mặt bằng lão suất giảm, thanh khoản ổn dịnh; thị trường chứng khoán phục hồi khá trong quý II; hội nhập quốc tế được tăng cường, kinh tế số phát triển mạnh, cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển là khả quan.
Đánh giá về sự thay đổi kinh tế thế giới trong và sau COVID-19, TS. Cấn Văn Lực cho rằng xu hướng đầu tư sẽ tập trung vào những tài sản an toàn hơn; xu hướng mua bán-sáp nhập tăng; cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt và xu thế cấu trú lại chuỗi cung ứng và đầu tư; cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư và xu thế áp dụng công nghệ, thay đổi cách thức làm việc.
Đối với xu hướng tiêu dùng trong và sau COVID-19, tâm lý và hành vi người tiêu dùng và nhà đầu tư thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ.
86% khách hàng hài lòng/rất hài lòng khi sử dụng kênh kỹ thuật số. 75% sẽ tiếp tục sử dụng kênh này hậu COVID-19 (theo khảo sát của McKinsey tháng 4/2020 cho thị trường Mỹ). Tại Việt Nam, 63% số người được khảo sát sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch (theo khảo sát của Nielsen, tháng 4/2020).
Ông Lực nhấn mạnh: Giải pháp đối với doanh nghiệp trong bối cảnh, xu hướng mới là thực hiện mô hình 3 R – Respond (thích ứng với bình thường mới), Recover (phục hồi) và Re-invent (đổi mới sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh). Cùng với đó là 2 R - Restrucsture (tái cơ cấu) và Resilence (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài).
“Doanh nghiệp cần tập trung vào 4 thứ: Không để mất người lao động, nhất là người giỏi; biết quản lý tài chính; giữ được khách hàng và duy trì được đối tác. Doanh nghiệp cần có tâm thế mới, sớm nắm bắt vận hội mới, giai đoạn mới. Con người và công nghệ luôn là hai đột phá chiến lược”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.