Hậu COVID-19: Mong muốn có bộ chỉ số phát triển bền vững cho DN nhỏ, siêu nhỏ
Phát triển bền vững vẫn là bốn chữ vàng
Chia sẻ tại Lễ phát động, Chủ tịch VCCI nêu vấn đề: Nói đến phát triển bền vững (PTBV) trong điều kiện doanh nghiệp cũng đang phải “dùng máy thở” thì có phải là xa xỉ hoặc nghịch lý hay không?
Theo ông Lộc, PTBV là giải pháp để doanh nghiệp hoàn thiện chính mình. Chúng ta hiện nay đang trong bước chuyển của nền kinh tế từ đại dịch sang nền kinh tế thời hậu đại dịch. Nền kinh tế thế giới sẽ phải được định hình lại, đại dịch là cái giá phải trả cho sự không PTBV, khi chúng ta đối xử chưa chuẩn mực với môi trường, với xã hội. Hậu đại dịch sẽ là thời mà những giá trị PTBV lên ngôi. PTBV chính là bốn chữ vàng để nền kinh tế toàn cầu nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng phát triển.
Chưa bao giờ chúng ta nói đến nhu cầu phải tái cấu trúc lại chuỗi giá trị theo hướng an toàn hơn, trách nhiệm hơn như bây giờ. Có thể nói PTBV và thể chế để PTBV là động lực cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu.
Nhận thức được vấn đề này, suốt trong thời gian đại dịch, khi tập trung kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trước mắt đối với cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng tiếp tục nghiên cứu về những vấn đề PTBV thông qua việc khảo sát rộng rãi 3 cộng đồng doanh nghiệp và đã có 2 báo cáo tổng quan gửi tới Thủ tướng Chính phủ, trong đó, nêu ra hơn 200 kiến nghị và giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, hướng tới PTBV sau đại dịch. Những giải pháp này được Thủ tướng đánh giá cao.
Để PTBV, ông Lộc nhấn mạnh: Chúng ta không chỉ dừng lại ở thông điệp, tuyên ngôn mà phải thể hiện bằng những mô hình, công cụ quan trọng, nhất là phải có thước đo để quản trị và đánh giá. Với tầm nhìn như vậy, VCCI trong suốt hành trình 5 năm qua đã là người khởi xướng cho sự PTBV trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. VCCI đã đưa ra bộ chỉ số để cộng đồng doanh nghiệp có thể “sờ nắm” được, áp dụng được.
PTBV không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa”
Ông Lộc cho biết: Hiện nay đã có 127 chỉ số để định hướng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Định hướng PTBV không chỉ chung cho các doanh nghiệp lớn, quốc gia, xuyên quốc gia mà còn định hướng phát triển cho các DNNVV, thậm chí siêu nhỏ. PTBV không phải là “phú quý sinh lễ nghĩa” mà là giá trị nền tảng cho sự phát triển.
“Tôi bày tỏ mong muốn Ban thư ký của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp hãy giúp chúng tôi không chỉ dừng lại ở 127 chỉ số, bởi nếu 127 chỉ số áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì đây là một “xa xỉ” (có chỉ số là không thích hợp, thậm chí là không cần thiết đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ). Làm sao cho quán phở ven đường cũng phải có tinh thần PTBV, chứ không phải chỉ là Vingroup, Sungoup, hay FLC…”, Chủ tịch VCCI đề xuất.
Trước đây, ở diễn đàn quốc tế chỉ nói đến DNNVV, nhưng hiện nay đã nói tới doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. PTBV là con đường của cả doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Đây chính là sự đầu tư cho sự phát triển thương hiệu và cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Phải chăng trong bối cảnh mới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là PTBV?”, ông Lộc đặt câu hỏi.
Việt Nam hiện được xem là điểm đến an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài từ chiến lược dịch chuyển các chuỗi giá trị toàn cầu sang ASEAN. PTBV sẽ là nền tảng, ngôn ngữ để tương tác, giúp doanh nghiệp Việt có thể đảm nhận chuỗi giá trị gia tăng cao. Chính PTBV là con đường duy nhất để có thể vượt qua đại dịch và có thể chống chọi với đại dịch trong tương lai.
“Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành kế hoạch tầm nhìn PTBV cho khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2030, trong đó Thủ tướng yêu cầu VCCI và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam trong năm 2020 xây dựng và nhân rộng bộ chỉ số PTBV trong cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2020-2030. Điều này có thể khẳng định chiến lược PTBV khu vực tư nhân chính là cốt lõi của chiến lược PTBV của nền kinh tế quốc gia”, ông Lộc cho biết.