Hầu hết các đơn hàng của DN dệt may chỉ còn đến tháng 9
Ông Dương cho biết, theo thông báo của hai thị trường chính là châu Âu và Mỹ, từ nay đến cuối năm, hai thị trường này đều dự báo cầu giảm đi 50% mức cầu. Trong khi, Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều thị trường, bên cạnh Việt Nam có Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia cũng đang gia công xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Mỹ.
“Như vậy, 50% mức cầu trên chia đều cho các thị trường gia công xuất khẩu. Nếu chúng ta làm tốt, đảm bảo chất lượng và thời gian thì chúng ta sẽ giành được nhiều hợp đồng hơn. Tôi đánh giá thành công trong chống dịch COVID-19 của Việt Nam thì khách hàng nhập khẩu sẽ ưu tiên. Doanh nghiệp Mỹ và châu Âu sẽ nghĩ đặt hàng của Việt Nam an toàn hơn, đúng kế hoạch hơn”, ông Dương dự báo.
Trong thời điểm chống dịch COVID-19 hiện nay, nếu có đơn hàng, doanh nghiệp dệt may Việt sẽ ký hợp đồng trên mạng thông qua nền kinh tế số. Ký hợp đồng trên mạng là con đường cắt bớt khâu trung gian như trước kia. Đây cũng là cách làm mới của doanh nghiệp dệt may muốn có đơn hàng từ nay đến cuối năm.
Đánh giá về gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ, theo ông Dương, hầu như doanh nghiệp dệt may phía Bắc chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ. Lý do doanh nghiệp phải không có việc thì mới được vay quỹ hỗ trợ cho người lao động. Doanh nghiệp không có đơn hàng thì cũng không có nhu cầu vay thêm tiền từ ngân hàng. Đáng chú ý, doanh nghiệp lớn có thể vay đầu tư, tuy nhiên, mức lãi suất như hiện nay thì không doanh nghiệp nào dám vay, vì có giảm xuống 7%/năm thì doanh nghiệp cũng không có khả năng sinh lãi lãi 7% để trả cho ngân hàng.
Chia sẻ về giải pháp cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi đơn hàng giảm sút, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng: Hiện nay, một số doanh nghiệp da giày đã giảm hàng ngàn lao động, giữ 50% lao động làm việc. Một điều đáng chú ý là hàng xuất khẩu dệt may chủ yếu dựa vào ngành gia công, mà gia công phụ thuộc lớn vào tay nghề người lao động, cho nên định hướng của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên là chuyển thách thức thành cơ hội. Đó là dành thời gian không có việc để đào tạo cho người lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang kiến nghị với Chính phủ nâng mức hỗ trợ đào tạo người lao động 1 tháng từ 1 triệu lên 3 triệu. Đây là cơ hội rất tốt để dùng những nguồn lực từ quỹ hỗ trợ đào tạo của Chính phủ và của doanh nghiệp, thay vì cho người lao động nghỉ việc thì đào tạo cho họ, qua đó, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm để giữ khách hàng.
Làm sao giúp được doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ góc độ cơ chế chính sách, hay lãi vay ngân hàng một cách thiết thực nhất là mong muốn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Mức lãi suất ở Việt Nam vẫn cao. Nhà nước cần có chế độ bù lãi suất, thì doanh nghiệp mới có thể sống được.
“Nhà nước cần định hướng cho ngân hàng cho vay lãi suất thấp đi, giúp cho doanh nghiệp đào tạo bằng tăng tiền hỗ trợ đào tạo. Ngoài ra, có thể hoàn trả lại tiền nộp bảo hiểm xã hội như Trung Quốc đang làm. Nếu chỉ hoãn nộp bảo hiểm xã hội thì sang năm doanh nghiệp vẫn phải nộp. Khi doanh nghiệp chết rồi thì việc này không giải quyết gì được”, ông Dương nói.