HBA kiến nghị `xã hội hóa` tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân khu công nghiệp

19:16 | 30/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhằm giảm áp lực về nhân sự y tế của quận, huyện tổ chức tiêm ngừa tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở TP.HCM, HBA đã kiến nghị thực hiện "xã hội hóa" tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Ngày 29/8, Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM (HBA) có văn bản kiến nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các đơn vị liên quan về việc “xã hội hóa” tổ chức nhân sự y tế tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân “3 tại chỗ”.

Theo đó, để giảm áp lực về nhân sự y tế quận, huyện tổ chức tiêm ngừa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, HBA kiến nghị thực hiện "xã hội hóa" trong tiêm ngừa vaccine.

Cụ thể, công ty đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể ký kết với các bệnh viện tư, các tổ chức y tế ngoài công lập để tổ chức đội tiêm theo đúng quy định Bộ Y tế. Ban Chỉ đạo và Sở Y tế sẽ cung cấp vaccine và bác sĩ giám sát (nếu cần) tổ chức trong các khu chế xuất - khu công nghiệp và khu công nghệ cao để kịp thời hạn đã qua 9 tuần.

HBA kiến nghị `xã hội hóa` tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân khu công nghiệp - ảnh 1

Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP.HCM kiến nghị sớm tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân đến hạn. (Ảnh minh họa)

Trước đó, HBA cho biết Intel Việt Nam đã ký với Bệnh viện Bắc Mỹ nhận vaccine của Sở Y tế để tiêm “vét” cho công nhân. Mô hình “xã hội hóa” này có thể áp dụng ra 18 khu trong toàn thành phố.

Lãnh đạo hiệp hội cũng kêu gọi vận động doanh nghiệp chung tay cùng nhà nước để hỗ trợ dịch vụ tiêm vaccine Covid-19 khi có nguồn vaccine được phân bổ về.

Ngoài ra, HBA cho biết đến nay có khoảng 250.000 công nhân tiêm mũi 1 (vaccine AstraZeneca) đã qua 9 tuần, trong đó công nhân “3 tại chỗ” khoảng 60.000 người. Số này hiện rất cần bổ sung tiêm mũi 2 theo hình thức xã hội hóa như nói ở trên.

Số công nhân trong khu chưa đi làm, cũng không có điều kiện đến điểm tiêm ngừa, kiến nghị Ban Chỉ đạo cho họ tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 “vét” trên tinh thần không phân biệt có thường trú, tạm trú, thành phố hay tỉnh lẻ…

"Nếu được tiêm mũi thứ 2, lực lượng công nhân nói chung và công nhân đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nói riêng sẽ an toàn hơn. Mũi tiêm thứ 2 cũng là tuyến phòng ngự vững chắc, góp phần tiếp cận miễn dịch cộng đồng để sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường", Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM chia sẻ.

Ngoài ra, một số công nhân đã tiêm mũi 1 cách đây 9 tuần, chưa đi làm, nhưng lại cư trú vùng giáp ranh như khu nhà trọ Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) và làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung; công nhân ở Đức Hòa (Long An) làm việc tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công nhân ở Đồng Nai làm việc tại Khu công nghệ cao, công nhân ở Cần Giuộc (Long An) làm việc ở Khu công nghiệp Hiệp Phước… cần thông báo để y tế chính quyền sở tại hỗ trợ tiêm mũi 2. Nếu được, khu và doanh nghiệp thông báo cho công nhân quay về tiêm ngừa tại điểm tiêm gần nhất tại khu giáp ranh do doanh nghiệp tổ chức tiêm mũi 2.

TTP.HCM có khoảng 1,2 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp; trong đó có hơn 320.000 người làm việc tại 17 Khu chế xuất, Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao thành phố.

Thống kê từ Liên đoàn Lao động TP.HCM đến thời điểm hiện tại đã có hơn 497.000 lao động tại hơn 3.400 doanh nghiệp, đơn vị được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Hỗ trợ 1 triệu đồng/người với công nhân tại doanh nghiệp "3 tại chỗ"

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” ở doanh nghiệp tại các tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo quyết định của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên, người lao động sẽ được hỗ trợ tiền ăn ở mức 1 triệu đồng/người cho đoàn viên lao động thực hiện "3 tại chỗ" tại địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg một lần duy nhất.

Nguồn kinh phí do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp cho công đoàn cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy, đảm bảo số dư sau khi cấp còn tối thiểu 1 tỉ đồng.

Trường hợp số dư sau hỗ trợ dưới 1 tỷ đồng thì Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành trung ương và tương đương… cấp bù cho công đoàn cơ sở.

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương sau khi cấp hỗ trợ cơ sở phải đảm bảo số dư đơn vị tối thiểu 5 tỷ đồng. Trường hợp số dư tích lũy dưới 5 tỷ đồng thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bù.

Về triển khai, công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên lao động thực hiện "3 tại chỗ" duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để thẩm định, cấp kinh phí.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp đóng công đoàn phí nhưng chưa có tổ chức công đoàn để thực hiện hỗ trợ và đề nghị cấp trên khi không thể cân đối nguồn chi. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8.

P.Giang (T/h)