Hệ thống DN thuộc BK Holdings - mô hình tiêu biểu thương mại hóa công nghệ
Chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, ông Phạm Tuấn Hiệp cho rằng ưu điểm chính của Đại học Bách khoa không chỉ là hệ thống bao gồm 25 viện nghiên cứu, đào tạo mà còn là các doanh nghiệp được thành lập ngay trong trường thuộc BK Holdings và việc hợp tác giữa hai bộ phận này bước đầu khá thuận tiện.
Hoạt động hợp tác giữa viện nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa với Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông là một ví dụ. Thông qua hệ thống doanh nghiệp thuộc BK Holdings, Đại học Bách Khoa đã hợp tác chuyển giao công nghệ (CGCN) để cung cấp thêm một số phổ phản quang, giúp tăng phổ ánh sáng của đèn cũng như tăng thêm ứng dụng cho sản phẩm này.
“Trường Bách khoa không phải là một pháp nhân để mang sản phẩm nghiên cứu đi bán hoặc đấu thầu. Nhóm doanh nghiệp của BK Holdings đã kéo đề tài có tiềm năng và có năng lực để thương mại hóa, đẩy sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Hệ thống doanh nghiệp của chúng tôi đã trở thành một công cụ khá linh hoạt để thực hiện hợp đồng hợp tác đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Hiệp nói.
Mô hình thương mại hóa công nghệ của BK Holdings bao gồm ba thành tố: Nhóm nghiên cứu và công nghệ chuyển giao; Dịch vụ hỗ trợ trường đại học (TTO); Doanh nghiệp triển khai công nghệ thương mại hóa. Trong đó, TTO đóng vai trò trung gian trong việc kết nối với doanh nghiệp, với nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ về IP; cấu trúc phương thức CGCN; định giá, cách thanh toán; hợp đồng CGCN và hỗ trợ triển khai CGCN.
…và tạo tiếng nói chung với nhà khoa học
Khó khăn, thách thức mà BK Holdings nói riêng và các trường kỹ thuật nói chung chính là sự chuyên nghiệp về môi giới về ươm tạo, thương mại hóa công nghệ và điều này đòi hỏi sự đa ngành của các trường trong hoạt động thương mại hóa công nghệ.
“Thách thức của chúng tôi hiện nay là đa số thành viên tập trung hầu hết trong lĩnh vực chuyên gia về công nghệ. Chúng tôi cần bổ sung thêm những nhân sự giỏi cả về tài chính, quản trị kinh doanh và giỏi cả việc xây dựng mạng lưới để kết nối, để môi giới. Chúng tôi bắt đầu nâng cao năng lực về vấn đề này. Làm sao phải tạo được một tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và nhà khoa học và đây là nhân tố vô cùng quan trọng”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Hiệp cũng cho rằng, giải pháp thành lập các sàn công nghệ tại Việt Nam không phải là một mô hình mới nhưng thời gian qua chưa phát huy được vai trò của mình. Cần phải thúc đẩy năng lực của sàn giao dịch. Tập trung vào năng lực theo cả hai chiều là kéo các nghiên cứu khoa học công nghệ có tiềm năng vào thị trường và kéo doanh nghiệp để hợp tác với nhóm nghiên cứu công nghệ có tính công nghệ cao.
“Một dấu hiệu đáng mừng là trong 2-3 năm gần đây, ở Việt Nam ngày càng tăng số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp đầu ngành và từ đó, tạo nhiều cơ hội cho hoạt động thương mại hóa công nghệ. Sự gia tăng sẽ tiếp tục được kỳ vọng trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi cộng đồng này đang rất cần cập nhật kỹ thuật, công nghệ để cho ra sản phẩm cạnh tranh được với thị trường trong nước và nước ngoài”, ông Hiệp nói.