Hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước còn có nhiều vấn đề
Tại Hội thảo, ông Phạm Đức Chung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) đã dẫn lại báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội (2018) về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, giai đoạn 2011-2016, trong đó nêu rõ: "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp".
Theo ông Trung, những con số cụ thể đã thể hiện rõ nét tình hình hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước trong những năm vừa qua. Tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước giảm trong giai đoạn 2011-2016 cụ thể như sau: Tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%; Chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROA) giảm 30%. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được. Hơn nữa, giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở dưới mức giá trị đã đầu tư, nỗ lực xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém vẫn chưa thực sự có hiệu quả, tốc độ phục hồi chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc giám sát doanh nghiệp Nhà nước chưa hiệu quả.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện tại chúng ta có quá nhiều cơ quan giám sát nhưng doanh nghiệp Nhà nước vẫn làm ăn không hiệu quả là hệ quả của lối làm ăn tập thể. Mỗi văn bản ban hành ra có rất nhiều ý kiến tham gia, nhưng không rõ trách nhiệm của công việc giám sát, thanh tra, kiểm toán… nên các cơ quan không hiểu nhiệm vụ của mình là gì, dễ buông lơi, không làm, dễ đổ trách nhiệm.
Bà Lan cho biết, những năm qua cán bộ Nhà nước đã tham gia hàng nghìn hội thảo và những chuyến đi khảo sát nước ngoài. Nhưng kết quả cuối cùng là hệ thống giám sát đối với doanh nghiệp Nhà nước còn có nhiều vấn đề.
Bà Lan nêu rõ, các vấn đề tồn tại, thậm chí gỡ khó các yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay bản thân người đứng đầu doanh nghiệp, chủ sở hữu đều biết và đều có thể giải quyết được. Nhưng quan trọng hơn cả họ không làm và không muốn làm vì liên quan đến lợi ích cá nhân.
Về quản lý và hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta có quy định báo cáo, luật lệ đầy đủ. Tuy nhiên, mới dừng lại ở lý thuyết, các yêu cầu theo kiểu thụ động trên đưa xuống dưới kiểu "thầy đọc trò chép" và cấp dưới không biết thực hành. Nhiều yêu cầu và quy định ghi trong luật nhưng hệ thống quản lý không làm được.