“Hí hóp”… sách giáo khoa Tiếng Việt 1

17:52 | 14/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không biết, có ai hiểu được nghĩa của từ “hí hóp” hay không? Vậy mà từ khó hiểu này lại có trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều.
Chắt lọc trong các thông tin hỗn độn trên mạng xã hội, thấy nhiều ý kiến rất tâm huyết, có giá trị của những trí thức, nhà giáo, nhà báo, nhà văn… Họ lo lắng cho những mầm non tương lai của đất nước bị nhồi nhét những thứ “phản giáo dục” vào nhận thức còn non nớt.
 
“Hí  hóp”… sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - ảnh 1
"Thở hí hóp" trong bài tập đọc.
 
Nickname Lương Ngọc Huỳnh viết trên trang của mình với những dòng đầy trách nhiệm, trăn trở. Theo như ông nói, ông đã bỏ thời gian đọc hết bộ sách Cánh Diều và nhặt lỗi. Đáng lưu ý nhất là cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Ông đã tìm ra đến 50 lỗi.
 
“Trong đó, cuốn Tiếng Việt tập 1 do ông Thuyết tổng chủ biên kiêm chủ biên là có nhiều vấn đề nhất. Với trên 50 lỗi căn bản về ngôn ngữ và nội dung giảng dạy. Nhiều nội dung thể hiện mánh khoé lừa lọc, nhiều câu từ chợ búa cũng được đưa vào giảng dạy. Tiếc rằng, cho dù ông Thuyết nói là đã làm rất kỹ nhưng tại sao vẫn để những nội dung đó trên sách? Ông Nhạ trước khi ký duyệt cũng quan liêu không chịu đọc lấy một lần xem có vấn đề gì không?”.
 
Nhà văn Trần Thanh Cảnh thẳng thắn bày tỏ quan điểm:  Cuốn sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều là “thảm họa”.
 
Nhà văn lý giải: Sau khi đọc kỹ cả cuốn, xem cả clip minh họa kèm theo, tôi thấy trơ lì cảm xúc. Không cảm nhận được gì về mặt văn chương ở nội dung. Đặc biệt là những câu chuyện kể minh họa trong cuốn sách này khô cứng, không có tâm hồn. Đó là cảm nhận rõ rệt nhất. Những câu chuyện phóng tác từ truyện ngụ ngôn với những cò, cua, cá, gà, ve, cáo, quạ, ngựa tía, ngựa ô...là một hiểm họa chứ không chỉ là thảm họa. Nó dạy cho trẻ thơ thói gian manh, láu cá, khôn vặt, lười biếng và vô cảm”.
 
“Hí  hóp”… sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - ảnh 2
Ve và gà (2)
 
Nhà báo Mai Loan, sau khi đọc xong bài tập đọc “Ước mơ của tảng đá” đã thảng thốt kêu lên: Người lớn ác quá! Đọc xong văn bản, tâm trí mình hoàn toàn mù mịt, không hiểu khi đưa vào phần tập đọc văn bản này, các nhà biên soạn sách muốn gửi gắm tới các em điều gì?
 
Xem lại cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, thấy những thông tin của dư luận phản ánh không phải không có lý do. Cuốn sách dùng nhiều từ địa phương, không nhất quán trong ngôn ngữ và khó hiểu. Ví dụ như, gọi gà con là gà nhép, gà nhí. Hay dùng từ chả thay cho từ không. Hoặc khi đọc đến đoạn lừa nằm “thở hí hóp” thì người lớn cũng khó hiểu. Hay như bài tập đọc có quạ và chó mắc khá nhiều lỗi về câu từ.
 
Có thể tìm thấy các thói xấu như lười biếng, gian manh, láu cá, khôn vặt, vô cảm, sai kiến thức trong các câu chuyện “Hai con ngựa”; “Quạ và chó”; “Ve và gà (2)”; “Thỏ thua rùa (2)”… Không hiểu, các nhà soạn sách định chuyển tải, nhắn nhủ điều gì cho trẻ thơ chập chững vào đời?
 
 “Hí  hóp”… sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - ảnh 3
Quạ và chó
 
Mặt khác, những câu chuyện phỏng theo, phóng tác đã vi phạm bản quyền tác giả. Không hiểu nhóm biên soạn đã xin phép hay chưa?  Có nhà văn nào lại đồng ý để cho người khác xuyên tạc tác phẩm của mình hay không? Vậy tại sao lại dùng sự xuyên tạc ấy mà dạy trẻ con?
 
Sóng gió lan tràn trên các diễn đàn khiến báo chí phải vào cuộc xem xét, phản ánh các vấn đề đang gây tranh cãi. Trước các vấn đề nghiêm trọng như vậy, ngày 09/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 4090/BGDĐT-GDTH, đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo về nội dung cuốn sách này. Công văn có đoạn nêu rõ: “Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GDĐT đề nghị  Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu, báo cáo Bộ GDĐT trước ngày 17/10/2020”.
 
Được biết, Phó Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét lại các vấn đề của cuốn sách này như dư luận phản ánh.
 
Nếu như cuốn sách có những nội dung gây độc hại cho tâm hồn trong sáng và tư duy non nớt của trẻ thơ, cần sửa chữa và khắc phục ngay. Đồng thời, xem xét lại trách nhiệm của hội đồng biên tập sách.
 
Kim Thanh

ĐỌC NHIỀU