Hiện tượng 'tham nhũng vặt', phí bôi trơn đã giảm

18:51 | 01/04/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Báo cáo PCI năm nay cho thấy nhìn chung là chi phí không chính thức có được cắt giảm, thủ tục hành chính, hạ tầng đều được cải thiện... nhưng tỉ lệ doanh nghiệp khó khăn vẫn nhiều, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ.

Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết, kết quả điều tra PCI 2018 đã ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về nỗ lực gần đây của chính quyền trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) phải trả chi phí không chính thức chỉ còn 54,8% (so với 66,3% của năm 2015); tỉ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức giảm còn 7,1% (so với 11,5% của năm 2015).

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cũng bình đẳng hơn. Tỉ lệ tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, gây khó khăn cho DN chỉ còn 32% (so với 39% của năm 2015); tỉ lệ tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển kinh tế tư nhân giảm xuống 37% (so với 49% của năm 2015).

Ngoài ra, tỉ lệ cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả tăng lên 75%, tỉ lệ cán bộ nhà nước thân thiện tăng lên 68%, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn tăng lên 68,9%, nội dung làm việc của các đoàn thanh tra bị trùng lặp giảm xuống còn 10,8%.

Bên cạnh những điểm tích cực đã đạt được, Trưởng ban pháp chế VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra những lĩnh vực cần thêm nhiều nỗ lực cải cách như: Thủ tục “hậu đăng ký DN” vẫn là một gánh nặng lớn đối với DN; minh bạch thông tin chưa có nhiều cải thiện; việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng... Cụ thể, năm 2018 có 15,8% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN) mới có thể chính thức đi vào hoạt động. Tỉ lệ DN phải chờ đợi trên 3 tháng mới có đủ giấy phép cần thiết đi vào hoạt động vào năm 2018 là 3.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính dù trong lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông, xây dựng vẫn là những thủ tục còn phiền hà, gây khó khăn cho DN. Tỉ lệ DN phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết hoặc đi vào hoạt động tăng lên 16%; tỉ lệ DN cho biết “thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh” tăng lên 53%; tỉ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tăng lên 29%; tỉ lệ DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện tăng lên 34%...

Hiện tượng 'tham nhũng vặt', phí bôi trơn đã giảm - ảnh 1
 Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ngoài ra, các tỉ lệ về khó tiếp cận tài liệu quy hoạch, thông tin dữ liệu đất đai; tỉ lệ về thiếu quỹ đất sạch… cũng đều tăng lên đáng kể. Cụ thể, khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch của DN chỉ đạt 2,38 điểm (trên thang điểm 5) vào năm 2018; khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý ở mức 3,01 điểm trong năm 2018. Vẫn có tới 69,4% doanh nghiệp cho biết “cần có mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh. Trong khi đó, con số này vào năm 2017 là 70%.
Chính vì việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi, nên khả năng các doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của địa phương đối với các quy định pháp luật của Trung ương rất hạn chế và khiến các doanh nghiệp bị động. Điều này cũng cản trở các kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh của DN.
Đáng chú ý, theo kết quả PCI 2018 cho thấy các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường có mức độ gặp khó khăn cao hơn DN lớn trong tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn cũng như mặt bằng kinh doanh phù hợp. Các DN mới thành lập từ 5 năm trở lại đây là nhóm có tỷ lệ gặp khó khăn cao hơn các nhóm còn lại, nhất là trong việc tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, mặt bằng kinh doanh, tuyển dụng lao động, tìm kiếm đối tác kinh doanh và thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, dù mức độ lạc quan của cộng đồng DN trong năm 2018 vẫn duy trì ở mức tương đối cao, với 49,3% DN tham gia điều tra cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Tuy nhiên, đại diện VCCI cho rằng, con số 8,3% DN dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa lại là điểm đáng lưu ý trong Điều tra PCI 2018. Bởi các doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc có kế hoạch đóng cửa doanh nghiệp có mức độ gặp khó khăn cao hơn đáng kể nhóm còn lại về tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, về cơ sở hạ tầng. Đáng lưu ý hơn cả, nhóm doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc có kế hoạch đóng cửa doanh nghiệp có tỷ lệ phản ánh khó khăn do biến động chính sách, pháp luật cao hơn hẳn nhóm dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đậu Tuấn Anh, điều này cho thấy việc xây dựng chính sách pháp luật có chất lượng tốt, ổn định có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của các DN. Do đó, Chính phủ vẫn cần những nỗ lực nhiều hơn để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Phải tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ DN, cũng như cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký DN. Trên thực tế, các DN dân doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, các cơ quan nhà nước cần có những biện pháp chính sách hiệu quả và kịp thời, hướng tới một khu vực DN tư nhân Việt Nam hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.