Hiệp hội DN, các tổ chức quốc tế đề xuất xây dựng môi trường đầu tư phát triển bền vững

19:19 | 26/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 sáng 26/6 tại Hà Nội, đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm xây dựng một môi trường đầu tư phát triển bền vững, minh bạch và an toàn tại Việt Nam.

Hiệp hội DN, các tổ chức quốc tế đề xuất xây dựng môi trường đầu tư phát triển bền vững - ảnh 1
Ảnh: Minh Hoa/DNVN.
Đánh giá cao cam kết của Chính phủ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính quốc tế tại Việt Nam, Lào, Campuchia đã đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là thông qua Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ doanh nghiệp vươn lên.

Ông Kyle F. Kelhofer cũng cho rằng, Việt Nam là một câu chuyện thành công về giảm nghèo và tăng trưởng bền vững: “Tôi rất vui mừng khi thấy chính quyền và đối tác phía Việt Nam chủ động nắm bắt cơ hội trong kế hoạch này”.

Cần sân chơi bình đẳng

Chia sẻ của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tại Diễn đàn VBF giữa kỳ năm 2019  đều hướng tới các đề xuất thúc đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số, ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án lớn.

Đồng Chủ tịch Liên minh VBF, bà Virginia B. Foote đưa ra khuyến nghị: Nhà đầu tư nước ngoài cần có cần có sân chơi bình đẳng và liêm chính doanh nghiệp. Cùng với đó là phát triển nền kinh tế số, giảm sử dụng nhiều tiền mặt, có khung cơ sở hạ tầng đảm bảo cho nền kinh tế tuần hoàn, tái tạo việc làm, cân bằng đối tác công tư, phát triển đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), ông Michael Kelly cũng đề xuất các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn đẻ duy trì vốn đầu tư đã có. Chính phủ nên xem xét việc hướng dẫn bảo vệ đầu tư để ngăn chặn các hiệu ứng ràng buộc tiêu cực hoặc hồi tố của các điều luật và quy định đối với các dự án hiện nay.

“Chúng tôi không thấy còn nhiều dư địa dễ dàng để tăng trưởng. Bởi vậy, Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính, đổi mới sáng tạo, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Lập kế hoạch kỹ lưỡng cho phát triển nhân lực, bảo vệ môi trường, đảm bảo sở hữu trí tuệ. Cơ chế về giá phải phản ánh đúng. Việt Nam hoàn toàn có thể trở nên thu hút đầu tư hơn nếu đạt được sự cân bằng giữa định hướng chính sách rõ ràng, các quy định pháp luật tinh giản và cởi mở với các thị trường quốc tế”, ông Michael Kelly nói.

Thực hiện ưu đãi nhất quán, thúc đẩy đầu tư tư nhân

Đưa ra 3 khuyến nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), ông Koji Ito nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Nhật Bản.

Đặc biệt, về các dự án đối tác công tư (PPP), ông Koji Ito đề xuất Chính phủ xem xét nâng cao hiệu quả của công tác khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Trong đó, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào xây dựng cơ sở hạ tầng và san sẻ một phần rủi ro liên quan đến việc ngừng thanh toán và chứng nhận ngoại hối. Về những thay đổi trong pháp luật, Chính phủ cần áp dụng nhất quán, tránh gây xáo trộn trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ Việt Nam đang áp dụng biện pháp giảm ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, có nhiều điều khoản chưa thích hợp. Chính phủ cần đưa ra khung hợp lý cho sự thay đổi.

Để thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), ông Ryu Hang Ha cho rằng các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư và Chính phủ cần giảm rủi ro của các nhà đầu tư.

Lo ngại về sự xáo trộn trong hoạt động kinh doanh khi có sự thay đổi về quy định pháp luật trong thời gian ngắn, áp dụng không đồng bộ, ông Ryu Hang Ha khuyến nghị Việt Nam cần tăng tính dự đoán trong môi trường pháp lý để đảm bảo doanh nghiệp đủ thời gian chuẩn bị cho các luật mới; những ưu đãi cũng cần được thực hiện nhất quán để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, tạo thuận lợi gia công cho bên ngoài.