Hiệp hội Ngân hàng muốn người vay được tạm dừng trả nợ khi giãn cách xã hội
Cụ thể, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đề xuất cho khách hàng sống tại khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 có thể hoãn trả nợ, trừ khi họ tự nguyện trả nợ bằng chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản hoặc tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ. Trong vòng 15 ngày sau khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16, nếu khách vay trả đầy đủ nợ gốc, lãi hoặc được gia hạn hoặc cơ cấu nợ thì sẽ được giữ nguyên nhóm nợ.
Được biết, đây là lần thứ ba Thông tư 01 liên đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng bởi dịch bệnh được sửa đổi và theo VNBA thì văn bản này hoàn toàn có thể được chỉnh sửa tiếp trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước dựa vào kế hoạch, mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ từng xây dựng kịch bản cả nước mắc 30.000 ca nhiễm bệnh, nhưng tính đến thời điểm hiện tại con số đã lên gấp hơn 10 lần.
Việc hoãn, giãn nợ là cần thiết trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID. Ảnh minh họa
Hiệp hội ngân hàng góp ý rằng một số điểm Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng mang tính ổn định xuyên suốt, tránh phải sửa đi sửa lại nhiều lần kèm theo điều kiện gây khó khăn cho các ngân hàng.
Về góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, VNBA đề xuất cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nguyên nhân xuất phát từ xu hướng không dùng tiền mặt như hiện nay thì thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng rất phổ biến. Khi dich COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết. Thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch này.
Liên quan đến góp ý sửa đổi về nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Hiệp hội kiến nghị cần xác định cơ cấu khoản nợ tại thời điểm trước ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch như thông tư 01 sẽ phù hợp hơn.
Còn nếu sửa như Ngân hàng Nhà nước đề xuất là thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết ngày 30/6 năm sau thì cũng không loại trừ khả năng lại phải sửa đổi thông tư thêm một lần nữa. Bởi dịch bệnh đang diễn biến khó lường cho nên không thể đặt mục tiêu một cách chính xác thời hạn trả nợ được.
Hiện tại trường hợp nào được hoãn nợ bởi dịch COVID-19?
Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như:
- Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19;
- Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại;
- Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021,…) thì được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Việc xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi,…thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Theo đó, đề nghị bà Thanh làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét xử lý theo đúng quy định.
Hiện nay, Ngân hàng trung ương đang tổng hợp các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Vào thời điểm cuối tháng 5/2021, chia sẻ tại cuộc họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng thông tin rằng các tổ chức tín dụng đã gia hạn thời điểm trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ngoài ra, khoảng 590.000 khách hàng được miễn, giảm lãi suất cho vay với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.
Các ngân hàng thương mại cũng báo cáo cho vay 390.000 khách hàng vay mới với mức lãi suất ưu đãi – thấp hơn, phổ biến từ 0,5 đến 2,5% so với giai đoạn trước trước khi đại dịch bùng phát với doanh số lũy kế đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng, trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 trở lại.
Tuy nhiên, đáng chú ý vẫn có nhiều trường hợp khách hàng không đủ điều kiện nhưng vẫn nộp đơn khiến tốn thời gian và công sức của chính họ và ngân hàng.
Các ngân hàng làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm? Điều đáng nói là trong khi người dân và doanh nghiệp đều "than khổ" bởi các đợt dịch COVID-19 xuất hiện liên tục thì khối ngân hàng thương mại lại thông báo kết quả kinh doanh "khủng" trong nửa đầu năm 2021. Ví dụ như VietinBank vẫn báo lãi trước thuế hợp nhất tăng 45% so với cùng kỳ lên 10.850 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần và lãi từ dịch vụ tăng lần lượt 33% và 22%, đi kèm theo lãi khác (thường từ thu hồi nợ) tăng mạnh 234% khiến thu nhập hoạt động của nhà băng tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Một trường hợp khác đáng chú ý là BIDV, nguồn tiền thu được từ hoạt động tín dụng nửa đầu năm nay đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí lãi và chi phí tương tự giảm hơn 20% khiến thu nhập lãi thuần của BIDV tăng hơn 46%. Lãi thuần từ dịch vụ đóng góp 10% thu nhập hoạt động (TOI) của BIDV, tăng gần 40%. Lãi khác của BIDV trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng gần 120% so với cùng kỳ lên 3.966 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động nửa đầu năm của BIDV tăng hơn 40% lên hơn 31.660 tỷ trong khi chi phí hoạt động tăng chỉ 9% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 60% lên 23.546 tỷ. Lũy kế nửa đầu năm 2021, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho thấy lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, đạt 94.000 tỷ đồng. Riêng quý 2 chứng kiến hầu hết các ngân hàng tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đầu xu hướng này hàng quy mô nhỏ như MSB, SSB và LPB. Mặt khác, các dữ liệu thống kê của những ngân hàng thương mại quốc doanh tuy không ấn tượng, nhưng cũng không đáng lo ngại. Các tổ chức này đang thể hiện sự tuân thủ theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh giảm lợi nhuận, các ngan hàng này nhận được hạn mức tín dụng tốt hơn. |
Duy Anh (t/h)
Xem thêm: Lợi nhuận ngân hàng có thể giảm do các khoản nợ tái cơ cấu?