Hòa Bình: Chính quyền và ngân hàng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19
Trăm cái khó "bủa vây" doanh nghiệp
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại tỉnh Hòa Bình trong lĩnh vực du lịch, khách sạn… khách sạn Công đoàn Kim Bôi Hòa Bình (xóm Mớ Đá, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi) là một điểm đến lí tưởng với hệ thống suối khoáng nóng tự nhiên, thu hút hằng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.
Thế nhưng, dịch Covid – 19 bùng phát mạnh mẽ đầu năm 2020, nhất là thời điểm trước tết Nguyên đán Tân Sửu khiến đơn vị này sụt giảm doanh thu trầm trọng (giảm 50% so với năm 2019). Đặc biệt, trong tháng 4/2020, đã phải đóng cửa hoàn toàn, không có doanh thu.
Với tinh thần “Dù khó khăn vẫn phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động”, Khách sạn đã làm đề xuất và được Nhà nước hỗ trợ cho 23 trường hợp, là nhân viên lao động chính thức số tiền 1.800.000 đồng.
Bà Bùi Thị Trâm – Phó Giám đốc khách sạn Công đoàn Kim Bôi Hòa Bình cho biết: “Tác động của dịch covid – 19 đến tình hình kinh doanh của khách sạn là rất lớn, Tuy nhiên Ban giám đốc cũng như toàn bộ nhân viên luôn đồng lòng, chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của chính quyền địa phương cũng như chủ trương Nhà nước”.
Bà Bùi Thị Trâm - Phó Giám đốc khách sạn Công đoàn Kim Bôi Hòa Bình.
Trước những khó khăn đó, khách sạn đã được hỗ trợ giảm tiền điện, tiền thuế, tiền lương cho nhân viên…rất mong thời gian tới, khách sạn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, nhất là trong việc kết nối về du lịch, để đơn vị có thể ổn định kinh doanh, phát triển trong tương lai, bà Trâm chia sẻ.
Công ty TNHH Pacific Hòa Bình là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản.
Tương tự, tại công ty TNHH Pacific Hòa Bình – doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất hàng nông sản sang thị trường Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề do việc xuất khẩu bị ngưng trệ, số lượng đơn hàng giảm đến 40%.
“Do dịch covid – 19, phía đối tác Nhật Bản tạm dừng nhập khẩu, khiến doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, công ty vẫn chi trả 100% lương cho công nhân, những trường hợp phải cách ly tại nhà không đi làm, công ty vẫn hỗ trợ 70% lương. Do công ty vẫn có phát sinh một phần nhỏ doanh thu nên theo quy định không được Nhà nước hỗ trợ tiền cho người lao động thuộc gói 62.000 tỷ, đây cũng là điều khá bất cập, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của công nhân công ty”, ông Phạm Duy Khoa – Phó giám đốc công ty TNHH Pacific Hòa Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Khoa, không chỉ việc xuất khẩu bị đình trệ, công ty còn bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu trong nước bị thiếu, do hàng hóa 100% là nông sản như: Gừng, ớt, củ liệu… nên khi dịch bệnh bùng phát, nguồn cung từ các tỉnh không có, khiến công ty thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo cũng luôn vận động anh chị em công nhân chia sẻ, bao bọc nhau, cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt.
Là một trong những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng -Serena Resort do Công Ty Cổ Phần Thương Mại Du Lịch Lạc Hồng đầu tư tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi cũng gặp muôn vàn khó khăn do dịch Covid – 19, nhất là trong việc tuyển dụng nhân sự.
Với khoảng hơn 200 nhân viên, doanh thu bị sụt giảm đến 40% trong năm 2020, Serena Resort vẫn hỗ trợ được 50% lương cho toàn thể cán bộ nhân viên, chu cấp đầy đủ chỗ ăn ở cho lao động. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với khách hàng cũng như người lao động tại resort.
Serena Resort của Công Ty Cổ Phần Thương Mại Du Lịch Lạc Hồng tích cực triển khai đo nhiệt độ cho khách hàng, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Lưu Đình Tiến – Giám đốc điều hành Serena Resort cho biết: “Thời điểm dịch covid - 19 bùng phát trước tết Nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi luôn sát sao trong công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền cho nhân viên, khách hàng đeo khẩu trang, xịt khuẩn, đo nhiệt độ…Đến nay, tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, lượng khách hàng đến Resort ngày một nhiều, nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là không tuyển dụng được nhân sự vì lao động địa phương hầu hết đã quay trở lại các khu công nghiệp làm việc”.
Tương tự, tại Công ty TNHH may RNS GLOBAL (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) cũng khá “chật vật” trong khâu tuyển dụng nhân công làm việc tại công ty. Chị Nguyễn Nga – Trưởng phòng nhân sự công ty TNHH may RNS GLOBAL cho biết: “Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch covid, Công ty đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ tạm trong tháng 9 và 10. Tuy nhiên, Ban giám đốc vẫn thực hiện chi trả đầy đủ lương, đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả cán bộ, nhân viên”.
Ảnh hưởng lớn nhất mà Công ty TNHH may RNS GLOBAL gặp phải là sự Khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự.
“Bước vào năm 2021, do lượng đơn hàng nhiều, công ty tiến hành mở rộng thêm nhiều xưởng sản xuất, nhưng vấn đề nan giải nhất là không tuyển được lao động. Bởi vậy, công ty rất mong chính quyền, nhất là Sở lao động Thương binh và xã hội quan tâm, hỗ trợ công ty trong việc tuyển dụng, đáp ứng kịp thời tình hình sản xuất”, chị Nga chia sẻ.
Không để doanh nghiệp một mình chịu trận
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kim Bôi cho biết: “Khi dịch Covid – 19 bùng phát mạnh tại Hòa Bình, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện đã có văn bản triển khai hướng dẫn tới các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Phòng LĐTB&XH Kim Bôi cũng kịp thời nắm bắt những lao động từ vùng dịch trở về địa phương. Đồng thời, gửi văn bản chung tới các xã, thị trấn thống kê, rà soát gửi danh sách về phòng để thực hiện hỗ trợ chi trả cho các đối tượng và các khối doanh nghiệp tại địa phương”.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho biết, trước những khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid -19, NHNN chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã kịp thời triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của UBND tỉnh đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Cụ thể, đã ban hành các văn bản chỉ đạo đến các TCTD thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát thống kê ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đối với các khách hàng đang vay vốn, đặc biệt là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như nông nghiệp, du lịch, xuất nhập khẩu…
Kết quả đạt được, các TCTD trên địa bàn đã miễn giảm được 1.066 triệu đồng tiền lãi đối với 37 khách hàng, giữ nguyên nhóm nợ 1.242.951 triệu đồng với 891 khách hàng, doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi 919.199 triệu đồng đối với 628 khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng CSXH tỉnh còn gia hạn nợ 1.359 triệu đồng cho khách hàng, cấp tín dụng 367 triệu đồng cho người sử dụng lao động vay vốn với 0% trả lương cho người lao động ngừng việc.
Một lãnh đạo (đề nghị không đưa tên) của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình cho biết: trước sự ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19, Sở đã khẩn trương triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng tới các doanh nghiệp cũng như các địa phương để kịp thời rà soát đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp. Giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, tăng cường công tác tư vấn về đào tạo nghề cũng như giới thiệu việc làm mới cho công nhân nhằm giảm thấp nhất có thể tỷ lệ lao động thất nghiệp.
“Sở cũng tăng cường tiếp xúc các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 để tuyên truyền hướng dẫn việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động; đồng thời tuyên truyền để người lao động nắm rõ tình hình khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thử thách này”, vị lãnh đạo này cho hay.
Hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh Hoà Bình vẫn đang kiên cường phấn đấu, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 để trụ vững,tiến tới tìm cơ hội phát triển. Dẫu vậy họ vẫn còn cần rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa từ các cấp chính quyền, cùng với sự chia sẻ, chung tay vào cuộc của người lao động và cả xã hội.
Hùng Dân