Hoá chất Đức Giang chốt mục tiêu lãi ròng 2023 giảm 50%, nhưng 'vẫn là mức tốt' so với giai đoạn 2021 đổ về trước

Lạc Lạc 11:01 | 30/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 29/3, ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) đã thông qua toàn bộ tờ trình. Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo khẳng định năm 2023 sẽ không rực rỡ, do đó hạ mục tiêu lãi ròng xuống chỉ còn 3.000 tỷ đồng, tức bằng một nửa so với năm 2022.

Chốt chia thêm 10% cổ tức tiền mặt năm 2022

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022. Theo đó, trong năm qua, Hoá chất Đức Giang ghi nhận doanh thu hơn 14.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 6.000 tỷ đồng. Tiền mặt tích trữ thời điểm 31/12/2022 hơn 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 5.080 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả cao nhất của doanh nghiệp từ khi thành lập.

Với lượng tiền mặt dồi dào, các cổ đông đề xuất chia thêm 10% cổ tức tiền mặt cho năm 2022, tương đương cổ đông sở hữu 1 cp nhận được thêm 1.000 đồng. Sau khi HĐQT thảo luận và tiến hành biểu quyết, đề xuất này đã được thông qua.

Cùng với 30% cổ tức tiền mặt đã chi trả, như vậy tổng tỷ lệ cổ tức của DGC trong năm 2022 sẽ là 40%. Trong đó, 10% còn lại dự kiến chi trả vào tháng 4/2023.

ĐHĐCĐ cũng đã thông qua mức chia cổ tức 2023 là 30%.  

Kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2023

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, nhu cầu thế giới suy yếu, giá photpho vàng - sản phẩm chủ lực của Hóa chất Đức Giang liên tục giảm mạnh, ông Huyền cho biết Đức Giang sẽ không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà thay vào đó hạ thấp mục tiêu doanh thu, lợi nhuận để phù hợp với tình hình thực tế. 

Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đã được thông qua với 10.875 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu được phân chủ yếu vào Photpho vàng - sản phẩm chính của Công ty - với khoảng 4.600 tỷ đồng. Mục tiêu lãi sau thuế là 3.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với năm 2022. 

Theo Báo đầu tư, Chủ tịch Đào Hữu Huyền nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ: “Chưa năm nào đặt kế hoạch kinh doanh xấu vậy, cả doanh thu và lợi nhuận giảm, với mức lãi 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với giai đoạn năm 2020-2021, đây vẫn là mức lợi nhuận tốt so với giai trước đó và trước cổ phần hoá”, 

 Cũng tại đại hội, 'ông lớn' ngành hóa chất hé lộ mức lợi nhuận quý I/2023 ước đạt 700 tỷ đồng.  

 

Ngoài ra, DGC có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản tổng cộng 550 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng cho việc hoàn thành nhà máy NPK Đắk Nông và 500 tỷ đồng để khởi công tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn. Dự án nhà máy NPK tại Đắk Nông dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 30/6.

Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh doanh như vậy, mức thù lao cho ban lãnh đạo cũng đã được thông qua tại đại hội. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT nhận lương 10 triệu đồng/tháng; Thành viên HĐQT nhận 8 triệu đồng/tháng; Trưởng BKS nhận 8 triệu đồng/tháng; Thành viên BKS nhận 6 triệu đồng/tháng. Tài liệu không đề cập đến việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên ban lãnh đạo. Trường hợp cơ cấu thành viên được giữ nguyên, ước tính số tiền thù lao chi trả cho HĐQT và BKS trong năm 2023 khoảng 840 triệu đồng.

Dự kiến sản xuất pin lithium-ion từ quý II/2023

Nói về thương vụ "thâu tóm" CTCP Ắc quy Tia Sáng (mã: TSB), DGC cho biết đã chính thức mua lại 51% cổ phần, tương đương hơn 3,44 triệu cp với giá 39.200 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch ước tính gần 135 tỷ đồng.

Kết phiên 29/3, cổ phiếu TSB đang có thị giá 37.600 đồng/cp, thấp hơn giá mua của DGC 4,2%.

Chia sẻ về thương vụ này tại đại hội, Chủ tịch Huyền cho biết thời điểm lập báo cáo quản trị 2022, thương vụ vẫn còn "trong vòng bí mật", tránh trường hợp “nhiều người mua sẽ đẩy giá lên cao”. Vậy nên, các thông số về thương vụ sẽ được cập nhật trong các báo cáo sau này.

Theo ông Huyền, TSB có vốn điều lệ rất nhỏ, khoảng 67 tỷ đồng, doanh số khoảng 180 tỷ đồng, lợi nhuận 3 - 4 tỷ, đi ngang trong 5 năm gần đây. Ông Huyền cho biết thương vụ này sẽ giúp TSB tăng trưởng, doanh thu trong 5 năm sẽ lên đến nghìn tỷ.  

Công ty dự kiến quý II năm nay sẽ sản xuất sản phẩm đầu tiên, cũng là những viên pin lithium-ion của Việt Nam. Tuy nhiên thương mại hoá sản phẩm này vẫn là chặng đường dài.

Về mảng kinh doanh chính, Chủ tịch DGC nhận định photpho giá thấp đang tiêu thụ chậm, các nhà máy như Photpho 5,... đang tồn kho hàng nghìn tấn photpho.

Tuy nhiên, ông Huyền cho rằng photpho được dùng để sản xuất axit photphoric thay vì chỉ xuất khẩu và tiêu thụ photpho vàng. Đức Giang đã xây dựng 3 dây chuyền sản xuất axit photphoric để tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, đa dạng nguồn thu.

Tại Đại hội, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang tiết lộ đang thảo luận, lên phương án cung cấp axit photphoric thực phẩm cho Coca-Cola - thương hiệu tiêu thụ axit photphoric hàng đầu thế giới. Đây là chất quan trọng tạo ra vị chua đặc trưng trong dòng sản phẩm nổi tiếng toàn cầu này.