SSI Research: Kế hoạch lợi nhuận giảm 50% của Hoá Chất Đức Giang (DGC) là khá thận trọng

Trang Mai 10:21 | 21/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự đoán thị trường năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn do việc cắt giảm đơn hàng, cùng với giá bán theo chiều hướng đi xuống, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) đã dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm một nửa so với mức cao kỷ lục của năm 2022. Nhưng theo SSI Research, kế hoạch này đang có phần thận trọng.

Dấu hiệu sụt giảm từ cuối năm 2022

Dù DGC đạt kết quả kinh doanh với những con số kỷ lục trong năm 2022, nhưng đó đều là “thành tựu” của 3 quý đầu năm. Cụ thể, trong 9 tháng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 341% so với cùng kỳ năm 2022, sau đó doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 10% và 20%, xuống 3.112 tỷ đồng và 1.124 tỷ đồng trong quý IV. 

 
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang là nhà sản xuất và xuất khẩu phốt pho vàng, các sản phẩm liên quan như axit photphoric, phân lân và phụ gia thức ăn chăn nuôi. Sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp vào năm 2018, DGC đang có kế hoạch đầu tư vào một nhà máy clo-kiềm để sản xuất xút, hợp chất clo, nhựa PVC và các hóa chất khác đang thiếu cung tại Việt Nam. 

Giá bán trung bình trong quý IV/2022 của DGC ở hầu hết các sản phẩm vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2021, mặc dù giá bán trên thị trường của một vài sản phẩm (như phân bón) đã giảm. Do DGC đã chốt giá bán trước khi giao hàng 1-2 tháng nên giá bán trung bình của DGC thường cao hơn giá thị trường.

Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 46,8% trong quý IV/2021 xuống còn 41,4% trong quý IV/2022 do việc giá bán bình quân tăng không đủ để bù đắp cho phần tăng giá quặng đầu vào. 

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt hơn 14.400 tỷ đồng, tăng 51% và 6.040 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ, vượt lần lượt 19% và 72% kế hoạch năm.

Kế hoạch doanh thu giảm một nửa là khá thận trọng?

Với dự đoán giá bán bình quân sẽ tiếp tục giảm, DGC đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 10.900 tỷ đồng, giảm 25% và 3.000 tỷ đồng, giảm 50% so với kết quả năm 2022.

Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp ngày 17/3 vừa qua, chứng khoán SSI Research cho rằng kế hoạch này đúng với bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, tuy nhiên vẫn khá thận trọng.

Các chuyên gia phân tích rằng, trong năm 2023, nhu cầu sẽ suy yếu do nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Nhu cầu phốt pho vàng (được sử dụng để sản xuất phân bón, chất bán dẫn và các sản phẩm công nghiệp khác) sẽ ảm đạm hơn, điều này gây áp lực giảm giá bán bình quân cho công ty.

 Doanh thu chất bán dẫn toàn cầu

Tuy nhiên, từ tháng 6/2023, nguồn cung phốt pho vàng sẽ phục hồi do các nhà sản xuất tại Vân Nam-Trung Quốc (chiếm xấp xỉ 40% sản lượng ở Trung Quốc) không còn thực hiện Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng cho các ngành tiêu thụ năng lượng. Do đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bán trung bình của mặt hàng này.

Thêm vào đó, giá bán bình quân các sản phẩm chính của DGC tạo đỉnh trong quý II/2022 và có xu hướng giảm dần sau đó. Do vậy, SSI Research cho rằng giá bán bình quân các sản phẩm khác của DGC cũng sẽ đi theo xu hướng giảm, kéo biên lợi nhuận gộp đi xuống trong quý II tới, sau đó sẽ ổn định từ nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, SSI dự phóng rằng giá điện sẽ tăng trong thời gian tới, từ đó làm tăng chi phí sản xuất của DGC (SSI ước tính chi phí tiền điện chiếm khoảng 20% giá vốn hàng bán của DGC trong năm 2022).

Doanh thu tài chính dự báo sẽ tăng từ 383 tỷ đồng trong năm 2022 lên 522 tỷ đồng trong năm 2023 nhờ lượng tiền mặt ròng cao (8.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022).

Với những giả định nêu trên, SSI dự phóng doanh thu năm nay của DGC giảm 22% so với mức thực hiện năm 2022 xuống 11.312 tỷ, lợi nhuận ròng giảm 37%, đạt 3.808 tỷ đồng. Mức dự phóng này vẫn lạc quan hơn đáng kể so với kế hoạch kinh doanh mà DGC đặt ra cho năm nay: doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 10.900 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. 

 
Trong thông báo mới nhất, DGC dự kiến chậm nhất tháng 6/2023 sẽ khởi công giai đoạn 1 dự án Nghi Sơn và một năm sau sẽ đi vào hoạt động. Sản lượng sản xuất giai đoạn 1 của Nghi Sơn khoảng 50 nghìn tấn PVC. Nguồn vốn cho dự án chủ yếu đến từ vốn tự có của doanh nghiệp với hơn 9.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi. Ban lãnh đạo DGC cũng đang cân nhắc sử dụng hợp đồng vay với Ngân hàng HSBC (vay USD) trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao.