Bloomberg: Năm 2018, Việt Nam và Philippines vẫn là 'ngôi sao sáng' của Đông Nam Á
Trong số 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, phần lớn sẽ duy trì được động lực tăng trưởng của năm 2017, theo kết quả khảo sát của Bloomberg. Việt Nam và Philippines sẽ vẫn là hai điểm sáng của khu vực Đông Nam Á trong năm 2018, với tốc độ tăng trưởng dự báo tiếp tục vượt 6%.
Ngoài ra, kinh tế Indonesia dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,3% trong năm 2018, trong khi kinh tế Singapore và Malaysia có thể tăng trưởng chậm lại.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể chậm hơn năm nay, nhưng ASEAN nên phát triển nhiều ngành có lợi thế về thương mại hơn là chỉ tập trung vào sản xuất, Bloomberg nhận định. Cùng với đó, triển vọng lạm phát vừa phải sẽ là tiền đề để khu vực Đông Nam Á thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chính sách tiền tệ
Ngân hàng trung ương Philippines và Malaysia được cho là hai ngân hàng có khả năng cao nhất sẽ tăng lãi suất trong năm 2018. Trong khi đó, Singapore có thể từ bỏ lập trường chính sách trung lập. Với Indonesia và Thái Lan, hiện vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất trong năm tới.
Giới chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley dự đoán, ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện nay sang tới năm 2018, nhưng Indonesia có thể tăng lãi suất. Ngược lại, các chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse lại cho rằng Indonesia sẽ “ngồi yên” và chỉ áp dụng các biện pháp thận trọng để thúc đẩy hoạt động cho vay; trong khi Thái Lan sẽ tăng lãi suất.
Kế hoạch tài khóa
Chính phủ các nước Đông Nam Á ngày càng chi tiêu mạnh hơn vào các dự án xây dựng đường xá, đường sắt và cảng hàng hóa nhằm tăng công suất sản xuất, từ đó giúp củng cố tăng trưởng kinh tế. Xu hướng này được nhìn thấy rõ rệt nhất ở Philippines và Indonesia vốn là hai nền kinh tế có động lực tăng trưởng phụ thuộc lớn vào nguồn lực nội tại hơn là xuất khẩu.
Để kiểm soát tình hình thâm hụt tài chính, chính phủ các nước phải tìm cách tăng thu từ thuế.
Tuần trước, các nhà lập pháp Philippines đã thông qua dự luật giảm thuế thu nhập, đồng thời tăng thuế đối với sản phẩm than, xe cộ và các hàng hóa khác. Ngoài ra, Indonesia cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề trốn thuế; Singapore đang xem xét điều chỉnh ngân sách cho năm 2018.
Niềm tin tiêu dùng
Nợ hộ gia đình ở một số nước Đông Nam Á có thể kìm hãm sức tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế, theo chuyên gia kinh tế trưởng Taimur Baig tại công ty DBS Group Holdings (Singapore).
“Tình huống tệ nhất là, kinh tế vĩ mô sẽ gặp một vài cú sốc và những hộ gia đình vốn đang ‘ngập đầu’ trong nợ nần sẽ chi tiêu dè dặt hơn, và như vậy tiêu thụ hàng hóa của cả nền kinh tế sẽ chậm lại,” ông Baig nói.
Hiện nay, người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia và Thái Lan có gánh nặng nợ lớn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đầu tư kinh doanh
Đầu tư kinh doanh sẽ là vấn đề lớn của năm 2018, chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin tại Công ty Nghiên cứu Maybank Kim Eng nhận định.
Bất ngờ lớn của năm 2017 chính là hoạt động thương mại phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, xu hướng này thường đồng nghĩa rằng, hứng thú đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh đang giảm dần vì lãnh đạo doanh nghiệp đã thay đổi suy nghĩ về triển vọng nhu cầu của thế giới
Rủi ro chính trị
Bất ổn tại khu vực Đông Nam Á cũng càng gia tăng khi nhiều nước dự kiến tổ chức bầu cử trong năm tới.
Malaysia đang lên “dây cót” cho cuộc bầu cử trong năm 2018, mà nhiều người dự đoán sẽ diễn ra trước tháng 6. Để tăng cơ hội được tái đắc cử, Thủ tướng Najib Razak đã nhanh chóng đưa kế hoạch ngân sách bao gồm các chính sách kích thích kinh tế hồi tháng 10. Hơn nữa, thời điểm bầu cử cũng sẽ ảnh hưởng đến thời điểm ngân hàng trung ương nước này quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Tại Thái Lan, chính quyền quân đội cho biết đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2018. Điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của giới doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp Thái Lan lâu nay vẫn đứng ngoài khi nhắc đến vấn đề chính trị.
Ngoài ra, Indonesia cũng dự kiến tổ chức bầu cử trong năm 2018 như là một phần nỗ lực để thúc đẩy sức mua nội địa và cải thiện tình hình chi tiêu của nền kinh tế./.