Hoạt động kinh doanh sau giờ “mặt trời lặn”: Khởi đầu nhiều thử thách

21:25 | 06/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hoạt động kinh doanh sau giờ “mặt trời lặn” trong quá trình thực thi "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam" đã khởi đầu nhưng còn nhiều thử thách phía trước…

Sức hút khó cưỡng và “Hà Nội đêm không ngủ”

 
“Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hơn 2 tháng, đem lại nhiều kỳ vọng khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
 
Trong 2 ngày cuối tuần (27 - 28/11/2020), lần đầu tiên, TP Hà Nội tổ chức sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale” với các mức khuyến mại, giảm giá “càng khuya càng giảm”, lên tới 100%. Sự kiện đã tạo nên “cơn sốt” mua sắm trên địa bàn Thủ đô, góp phần kích cầu tiêu dùng cuối năm, tạo nền móng phát triển kinh tế đêm.
 
 
 
Sự kiện đồng loạt diễn ra tại 200 điểm bán hàng là các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng lớn của các thương hiệu như: AEON, Lottemart, Vinmart, MediaMart, Pico, Ivy Moda, NEM, Tokylife, Fomat, BRG Mart, M2..
 
Với việc tung ra chương trình khuyến mại sâu, giảm giá 70% và nhiều mặt hàng đồng giá, khách hàng đến các địa điểm mua sắm này càng khuya càng đông, cao gấp 3-5 lần so với ngày thường. Tại các siêu thị điện máy, người dân xếp hàng dài để đợi đến giờ giảm giá sốc nhiều mặt hàng ti vi, tủ lạnh, đồ điện tử…
 
Sự kiện Hanoi Midnight Sale đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng tham gia mua sắm. Đây là tiền đề để TP Hà Nội phát triển kinh tế đêm.
 
Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương Hà Nội, doanh thu của các điểm tổ chức Hanoi Midnight Sale năm 2020 tăng mạnh. Cụ thể, AEON Mall Hà Đông doanh thu tăng 314,7%, lượng khách tăng 213%; AEON Mall Long Biên doanh thu tăng 206,6%, lượng khách tăng 199,8%; Big C Thăng Long lượng khách hàng tăng 198%, doanh thu tăng 141% so với sự kiện khuyến mại Black Friday 2019... Các hệ thống khác có doanh thu tăng từ 150 - 200%, lượng khách tăng từ 110 - 200%.
 
Chia sẻ với báo điện tử Kinh tế đô thị, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, sự kiện này sẽ là khởi đầucho việc phát triển kinh tế đêm, đồng thời thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng mua sắm hàng hóa không chỉ vào ban ngày, mà còn vào cả ban đêm, gắn mua hàng hóa với sử dụng các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, du lịch....
 
Trước mong muốn của ngành bán lẻ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hoạt động này sẽ hỗ trợ mô hình kinh tế ban đêm phát triển. Đây sẽ là giải pháp giúp tăng trưởng tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố hiệu quả nhất. Vì vậy, Sở Công Thương sẽ tổng kết, đánh giá cụ thể, từ đó tham mưu UBND TP Hà Nội xây dựng các chương trình tương tự trong kế hoạch kích cầu năm 2021.
 
Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng Viện Kinh tế - Xã hội TP Hà Nội và cơ quan liên quan tham mưu đề xuất phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Hà Nội, trước mắt là đưa sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” thành chương trình thường niên của Tháng khuyến mại hằng năm.
 
Hanoi Midnight Sale đã minh chứng rõ hơn về sức hút khó cưỡng của kinh tế đêm đối với Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Đúng như đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Đây là một bước tiến mới, thể hiện cái nhìn mới, tư duy mới về tầm quan trọng của kinh tế ban đêm mà trong thời gian qua Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội để phát triển.
 

Vẫn quá khó cho những “thành phố không ngủ”

 

Tuy đã có khởi đầu ấn tượng, nhưng hoạt động kinh doanh sau giờ “mặt trời lặn” vẫn còn quá khó cho những “thành phố không ngủ”.
 
Hoạt động kinh doanh sau giờ “mặt trời lặn”: Khởi đầu nhiều thử thách - ảnh 1
Khách nước ngoài làm thủ tục "check-in" để vào casino Hồ Tràm. Ảnh: ĐÔNG HÀ
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, cũng như "kinh tế ngầm", "kinh tế ban đêm" chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế nói chung.
 
Hoạt động kinh tế về đêm, ngoài sự chú ý gần đây, trước nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP HCM).
 
Tất cả sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ tập trung 7h sáng đến 17h chiều, trong ngành du lịch gọi là sản phẩm cứng, thì đã thu được. Tuy nhiên, sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18h tối đến 2h sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển.
 
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Lê Đăng Doanh cho biết, trên thực tế, kinh tế ban đêm cũng xuất hiện tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam như Hà Nội có phố Tạ Hiện, TPHCM có phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành... Một số địa phương cũng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới nhiều hình thức như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp, do đó chưa đem lại hiệu quả.
 
PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định với Báo điện tử Thanh niên: Kinh tế ban đêm không phải nối dài của kinh tế ban ngày và công tác vận động chính sách phát triển kinh tế đêm hiện nay còn gặp khó khăn.
 
Theo ông Thiên, vận động chính sách phát triển kinh tế đêm hiện nay khó ở chỗ là ta đang vận hành một nền kinh tế chống dịch. Chúng ta phải có sự đồng thuận của hết bộ, ngành này đến bộ, ngành kia. Nền kinh tế ban đêm cấu trúc cũng phức tạp hơn nên để có sự đồng thuận càng khó.
“Nhưng cái khó nhất cũng không phải chỉ nói tôi đồng ý mà phải cung cấp cho nền kinh tế đó một nội hàm, một nguyên tắc vận động, một mô hình. Phải có một mô hình để gợi ý cho các địa phương. Không có nền tảng nội hàm, nền tảng chính sách đó thì không làm được”, ông Thiên nhấn mạnh.
 
Bởi vì, kinh tế ban đêm là một nền kinh tế. Nó có cơ chế vận hành khác, nguồn lực khác, luật lệ khác để điều tiết chứ không phải chuyển sang từ ban ngày. Vì thế, cách xử sự phải rất bài bản, hiện đại, đẳng cấp. Khi bắt đầu làm thì đừng quan niệm làm đến đâu hay đến đấy mà phải có sự tính toán bài bản từ đầu. Những cái đầu tiên không để sai sót, sơ suất thì mới tốt được.
 
Kinh tế đêm có những lợi ích phát triển có thể gây sửng sốt. Chẳng hạn, bình thường các thành phố tập trung thức ban ngày và ngủ ban đêm. Nếu san ra nền kinh tế đêm thì sẽ giảm áp lực đô thị. 1/3 thức ban đêm, 2/3 thức ban ngày. Khi đó, thành phố cũng nhẹ đi, bớt căng thẳng. Những thành phố văn minh bao giờ cũng có kinh tế ban đêm, có đô thị dưới đất, đường sá dưới đất. Tự nhiên thành phố thông thoáng hẳn đi.
 
Cũng theo ông Thiên, mới đây, Đà Nẵng tổ chức tọa đàm về vấn đề này, nhưng cũng mới chỉ dừng lại là ý tưởng. Một số nơi khác cũng đã có kinh tế ban đêm nhưng mới chỉ định hình. Chẳng hạn, Hà Nội dành hẳn thứ bảy, chủ nhật ở khu phố cổ không có ai đi xe vào đấy cả. TPHCM ngày nào cũng có phố đi bộ, tức là cũng đã có những định hình kinh tế ban đêm rồi.
 
“Nhưng Đà Nẵng đang có cơ hội đi đầu để phát triển kinh tế ban đêm. Nếu có một nơi nào ở Việt Nam phát triển kinh tế ban đêm mà được quốc tế tin cậy nhất thì đó là Đà Nẵng. Vấn đề là nếu cùng nhau phát triển kinh tế ban đêm thì Đà Nẵng nên bàn với Hà Nội, TP.HCM cách phát triển một cách bài bản”, ông Thiên nói.
 
Chia sẻ với vnexpress, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng hiện nay nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch nên "không mang lại hiệu quả như mong muốn".
 
"Sản phẩm ban đêm là sản phẩm gì, sao chúng ta sợ nó, vì chúng ta cứ nghĩ sản phẩm ban đêm là nhạy cảm. Tại sao các sản phẩm văn hóa buổi tối chúng ta lại ít như vậy. Ngay ở Sài Gòn này, ban đêm dẫn khách đi xem các chương trình văn hóa thì kiếm thử có chương trình nào khách nước ngoài xem được. Khách Việt Nam thì cũng có nhưng cho khách nước ngoài thì hiếm lắm. Cuối cùng cũng chỉ có rối nước", ông Kỳ nhận xét.
 
Sau “cởi trói” tư tưởng cần “tháo bỏ” bó buộc chính sách
 
Cần tháo gỡ chính sách đối với các dịch vụ về đêm là ý kiến chung mà nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra khi bàn về giải pháp phát triển kinh tế đêm.
 
Các chuyên gia cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành địa phương học tập kinh nghiệm một số quốc gia trong việc phát triển kinh tế ban đêm, nhưng điều quan trọng vẫn phải là chính sách của nước ta về vấn đề này cần được thay đổi.
 
Chỉ riêng đối với ngành du lịch, ngành du lịch và các địa phương trọng điểm du lịch cần có đề án chuyên đề về vấn đề này. Chính phủ cũng cần tháo gỡ những chính sách bất cập làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc kinh doanh. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương nên tổ chức, quy hoạch lại các khu vực du lịch, ưu tiên phát triển kinh tế ban đêm, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế về đêm thì mong muốn mới trở thành thực tế được.
 
Hoạt động kinh doanh sau giờ “mặt trời lặn”: Khởi đầu nhiều thử thách - ảnh 2
Chợ đêm Trần Phú (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thu hút khách du lịch về đêm nhưng nhà đầu tư còn thận trọng vì chủ trương chỉ cho làm ngắn hạn. Ảnh: CHÍ QUỐC
 
Quan điểm được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra là nên làm tốt khâu kiểm soát, hỗ trợ thay vì cấm đoán do khó quản lý.
 
Cùng với đó, sau “cởi trói” về tư tưởng chính là tháo bỏ bó buộc về chính sách, khuôn khổ pháp lý để kinh tế đêm tồn tại và phát triển. Việc phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước… Đồng thời, cần có quy hoạch cụ thể, không nên phát triển đại trà rộng khắp nếu chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.
 
Kinh tế ban đêm chắc chắn không gói gọn trong chợ đêm, các vũ trường, quán bar, karaoke hay phố đi bộ mà bao gồm nhu cầu mua sắm, ăn uống của du khách đến thành phố vào buổi tối, người lao động hết giờ làm việc vào buổi tối và hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau khi kinh tế ban đêm phát triển vì những thành phố công nghiệp sẽ không chia ra ban đêm hay ban ngày, mà là hoạt động 24 giờ. Điều này đòi hỏi trong quy hoạch cụ thể, ban đầu về kinh tế đêm nên ưu tiên cho những nhà đầu tư lớn, dịch vụ chất lượng cao hoạt động, không nên phát triển đại trà rộng khắp trong khi chưa có biện pháp quản lý hiệu quả từ phía chính quyền thành phố và cơ quan quản lý du lịch.
 
Cụ thể hơn, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện tại nhiều địa phương giới hạn khung giờ bán hàng tới 24h thì khó có nền kinh tế đêm phát triển. Bởi thế, trước hết phải có quy định bán hàng 24/7. Cùng với đó, muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về chủng loại mặt hàng và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương. Trước hết, phải có nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng bảo đảm tính địa phương tốt nhất, nghĩa là tùy từng địa phương sẽ có hướng phát triển ngành nghề kinh doanh đêm khác nhau.
 
TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị kinh tế ban đêm cần phải có khuôn khổ pháp luật và khuyến khích văn hóa lành mạnh để có thể phát triển.
 
“Lâu nay, vẫn có nhiều người thành kiến với cụm từ kinh tế ban đêm. Tôi nghĩ rằng tốt nhất các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM,…khi triển khai mô hình này nên hình thành một số khu riêng biệt để tránh những người xung quanh cảm thấy ồn ào. Mỗi địa phương khi áp dụng nên có một kế hoạch rõ ràng, trước khi tổ chức thực hiện cần thuyết phục và thảo luận với người dân trong khu vực để tránh những hiểu lầm, sự phản đối không cần thiết”, Báo điện tử Chính phủ dẫn lời TS. Lê Đăng Doanh.
 
Theo ông Doanh, các thành phố cũng cần công bố bản đồ du lịch viết bằng nhiều thứ tiếng, ghi rõ bản đồ du lịch sẽ mở những khu phố riêng nào, có những sản phẩm gì để du khách có thể vui chơi, thăm quan, mua sắm,… giống việc các thành phố lớn khác trên thế giới vẫn làm như Roma (Italy), Paris (Pháp), họ đều phát miễn phí một bản đồ, có ghi thông tin những khu phố rõ ràng hoạt động ban đêm.
 
Bên cạnh đó, ngành Du lịch và các địa phương trọng điểm du lịch cần có đề án chuyên đề về vấn đề phát triển kinh tế ban đêm. Chính phủ cần tháo gỡ những chính sách bất cập làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc kinh doanh. các Bộ, ngành, địa phương nên tổ chức, quy hoạch lại các khu vực du lịch, ưu tiên phát triển kinh tế ban đêm, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế về đêm thì mong muốn mới trở thành hiện thực, TS. Lưu Thanh Tâm, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM trao đổi với Báo Văn hóa điện tử.
 
Minh Hoa