Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đóng góp về Dự thảo Thông tư về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

Bình An 13:37 | 04/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tạp chí Điện Tử Doanh Nhân Việt Nam xin gửi tới quý độc giả đóng góp của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam với Ngân hàng Nhà nước, VCCI về Dự thảo Thông tư về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

 

I. Về quy định về nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài để thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.

 Bổ sung quy định tại Điều 6 về nguyên tắc sử dụng vốn vay nước ngoài (Điều 6 Thông tư 08) liên quan đến nguyên tắc sử dụng vốn của doanh nghiệp

Nội dung bổ sung: Bên đi vay được phép vay nước ngoài để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có sử dụng nghiệp vụ Thư tín dụng mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở trong nước theo quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.  Việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ này phải nhằm thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay đáp ứng các quy định tại Thông tư này”.

Việc thực hiện dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh về cơ bản bao trùm các hoạt động mua bán (trong đó có nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ); do đó, hoạt động nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ (dù thông qua phương thức thanh toán trả ngay hay trả chậm có sử dụng Thư tín dụng) cũng không tách rời khỏi mục đích vay để thực hiện dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do có sự thay đổi trong cách nhìn nhận nghiệp vụ Thư tín dụng là cấp tín dụng nên cần có nội dung làm rõ nguyên tắc doanh nghiệp được vay nước ngoài để thực hiện nghiệp vụ Thư tín dụng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở trong nước, tránh các quan ngại coi việc vay nước ngoài để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá có sử dụng Thư tín dụng là việc vay nước ngoài để cơ cấu lại nợ trong nước và không được thực hiện mục đích này do Thông tư 08 có quy định vay nước ngoài chỉ được sử dụng để thanh toán nợ nước ngoài.

Kết luận: Đồng ý với nội dung bổ sung. Và kiến nghị chỉnh sửa kỳ hạn của tiền gửi trường hợp khoản vay đã được rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng cho các mục đích vay nước ngoài hợp pháp quy định tại Thông tư này, bên đi vay có thể sử dụng nguồn tiền này để gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Kỳ hạn của mỗi khoản tiền gửi này nên tối đa không quá 12 tháng. Do các thủ tục hành chính của chúng ta còn nhiều chậm trễ gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động giải ngân sử dụng vốn. Kỳ hạn 01 tháng là quá ngắn gây ra phiền hà mất việc và thiệt thòi về lãi suất cho Doanh nghiệp.

 Doanh nhân  Nguyễn Tiến Thắng Ủy viên BCH TW Hội, Phó Tổng Thư ký Hội DNTN Việt Nam

II. Sửa đổi quy định hoạt động vay nước ngoài của nhóm tổ chức tín dụng trong hoạt động thư tín dụng.

 Sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định các nội dung liên quan đến việc vay nước ngoài của nhóm tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng.

 Trong nghiệp vụ Phát hành thư tín dụng, ngân hàng phát hành (NH phát hành) sẽ phát hành L/C cho khách hàng là bên nhập khẩu. Nếu Thư tín dụng là loại Thư tín dụng trả chậm có điều khoản cho phép bên thụ hưởng yêu cầu trả ngay, trường hợp người thụ hưởng yêu cầu được thanh toán trước thời hạn của L/C thì sẽ làm phát sinh giao dịch cấp tín dụng giữa NH hoàn trả với NH phát hành. Khi giao dịch này có sự tham gia của NH hoàn trả là người không cư trú thì nghiệp vụ này có thể làm phát sinh quan hệ nhận khoản tín dụng từ nước ngoài, trong đó NH phát hành là bên nhận tín dụng, NH hoàn trả là bên cấp tín dụng. Căn cứ định nghĩa về vay nước ngoài theo theo Nghị định 219/2013/NĐ-CP quy định về vay trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh thì việc người cư trú nhận khoản tín dụng từ người không cư trú có thể coi là vay nước ngoài.               

Trong trường hợp này, NH phát hành là bên đi vay nước ngoài sẽ phải tuân thủ các quy định về điều kiện vay nước ngoài, trong đó bao gồm quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, mục đích vay, giới hạn vay, thỏa thuận vay. Các quy định tại Thông tư 08 về tỷ lệ đảm bảo an toàn, mục đích vay, giới hạn vay, thỏa thuận vay là các điều kiện được xây dựng cho giao dịch vay nước ngoài bằng tiền do đó về cơ bản tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với giao dịch vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng, quy trình thực hiện giao dịch thường tuân theo Thông lệ quốc tế và căn cứ trên bộ chứng từ xuất nhập khẩu cụ thể nên giao dịch này có các đặc thù riêng, đòi hỏi cần có các điều chỉnh về chính sách cho phù hợp. Trên cơ sở đó, dự thảo Thông tư đã bổ sung, chỉnh sửa một số quy định liên quan đến khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng phát hành), bao gồm:

-   Bổ sung khoản 9 Điều 3 Giải thích từ ngữ quy định khái niệm khoản vay phát sinh khoản vay nước ngoài của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng

-   Bổ sung khoản 10 Điều 3 Giải thích từ ngữ quy định về thời hạn vay đối với các giao dịch vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng của ngân hàng phát hành;

-   Bổ sung quy định tại Điều 7 về Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài về việc xây dựng Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài trong trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng;

-   Bổ sung quy định về thỏa thuận vay nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 08 cho phép áp dụng việc ký kết thỏa thuận vay nước ngoài vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài đối với Khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

-   Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 15 cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải đáp ứng điều kiện về giới hạn vay nước ngoài ngắn hạn.

Việc bổ sung quy định riêng đối với các khoản vay nước ngoài của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng sẽ đảm bảo phù hợp với bản chất của giao dịch vay nước ngoài dựa trên nền của một giao dịch thương mại có bộ chứng từ và thông tin cụ thể của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Các quy định được chỉnh sửa để có thể hỗ trợ việc TCTD thực hiện nghiệp vụ Thư tín dụng cho khách hàng được thông suốt, phù hợp với Thông lệ quốc tế và thực tiễn đã, đang thực hiện các giao dịch này; đồng thời không ảnh hưởng tới mục tiêu quản lý an toàn nợ nước ngoài hiện hành.

Kết luận: Đồng ý với nội dung sửa đổi và kiến nghị nâng tổng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài là tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ, áp dụng với các TCTD lên mức 35% vì nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn phục hồi kinh tế và các TCTD tự chịu trách nhiệm với khoản vay của mình.

 

Hà nội ngày 2 tháng 6 năm 2024

Người soạn dự thảo đóng góp

ỦY VIÊN BCH TW HỘI DNTN VN PHÓ TỔNG THƯ KÝ HỘI

 

 

 

Nguyễn Tiến Thắng