Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”: Hà Nội quyết tâm đi tiên phong
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết: TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị nhằm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 5/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Đồng thời, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành phố với Thủ đô Hà Nội để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và các năm tiếp theo; thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội; chào mừng Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII.
“Hội nghị khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thể hiện việc Hà Nội tiếp tục quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch trong năm 2020. Hội nghị là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền TP. Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo”, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ nói.
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án
Báo cáo kết quả thu hút đầu tư tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ đầu năm đến nay, song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh cũng được Thành phố thực hiện hiệu quả.
Hà Nội đã bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố 1.020 tỷ đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay với mức lãi suất 0%, để phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch.
Khẩn trương rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Đồng thời, triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ngay trong bối cảnh từ những ngày đầu xảy ra đại dịch COVID-19, trực tiếp Bí thư Thành ủy đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.
Ông Chung nhấn mạnh: Từ ngày 01/01/2020 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30/6/2020 đạt 100%. Phấn đấu đến ngày 30/9/2020, 100% doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hóa đơn điện tử. Đã đưa 249/249 (đạt 100%) dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số PCI hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9. Chỉ số gia nhập thị trường tăng 53 bậc so với năm 2015. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Đồng thời, Hà Nội đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số; xây dựng Thành phố hướng tới là Thành phố thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt. Thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động,… Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công. Cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên. Phấn đấu hết năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên của Thành phố xuống dưới 50%. Giảm tỉ lệ nợ công của Thành phố dưới 14%. Tăng quỹ cải cách tiền lương lên trên 38%. Tăng quỹ dự trữ tài chính lên trên 19%.
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, những kết quả đạt được của Thành phố, có dấu ấn của sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt những năm vừa qua; sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô và Nhân dân cả nước. Sự đồng hành này, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với Thành phố. Đồng hành cùng Thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”. Phấn đấu năm 2020, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần mức trung bình của cả nước; và thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao là 285.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung thông báo: Thành phố sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.
Trong đó, 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.
Các dự án đầu tư trên tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800.000 m2 nhà ở xã hội; 03 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông;…
229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; Nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong quý III/2020); Nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 05 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án.
“Tại Hội nghị này, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD)”, ông Chung thông báo.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu danh mục 282 dự án Thành phố mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.