Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA

11:05 | 06/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA” với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình cũng như lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và EU nhằm thảo luận về một số nhóm vấn đề lớn liên quan đến công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng; các giải pháp đề tận dụng hiệu quả cam kết; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả cũng như vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn, đã đặt ưu tiên cao và hoàn thành việc phê chuẩn 2 hiệp định quan trọng này.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh: EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi  không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng, do đó EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu.

Điều này còn có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của EU đang có những dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải chịu những cơn gió ngược dữ dội của đại dịch COVID-19, khiến cho đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối bị gián đoạn. Các nền kinh tế lớn, đối tác hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản đều chịu mức suy giảm kỷ lục về tăng trưởng kinh tế, ngay cả EU cũng bị suy giảm GDP 2020.

Tại Hội nghị Thủ tướng đề nghị cấp bộ, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung thảo luận về các nội dung: Tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng chưa hiệu quả; việc tận dụng cơ hội từ các FTA chưa được như mong đợi; làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao các doanh nghiệp, đây là yếu tố sống còn trong kinh doanh; phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng, vì đây là một yêu cầu hàng đầu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả; phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động để phát triển bền vững, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh?

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA - ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương, cơ quan điều phối việc thực thi Hiệp định EVFTA trình bày tổng quan về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ và những vấn đề các bộ, ngành và địa phương cần lưu ý để bảo đảm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA. Tiếp đến, một số bộ, ngành, địa phương sẽ trình bày tham luận về tình hình chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.

Hội nghị nghe đại diện hiệp hội và doanh nghiệp phát biểu ý kiến và kiến nghị những vấn đề có liên quan, tác động trực tiếp đến tính hiệu quả của việc triển khai Hiệp định cũng như tận dụng những cơ hội để doanh nghiệp có thể thực thi Hiệp định.

Được biết, trước ngày diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về việc chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA.

Theo đó, danh sách chỉ định các cơ quan đầu mối để thực hiện các Chương của Hiệp định EVFTA gồm: Bộ Công Thương chủ trì về các mục tiêu và định hướng chung, về phòng vệ Thương mại, các rào cản phi thuế quan đối và chính sách cạnh tranh.

Về đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển Nông thôn chủ trì các nội dung liên quan đến nông sản.

Bộ Tài chính chủ trì vấn đề hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nội dung hàng rào kỹ thuật đối với thương mại.

Bộ Khoa học và Công nghệ (Văn phòng TBT Việt Nam) làm đầu mối trao đổi thông tin về các vấn đề rào cản kỹ thuật thương mại.

Đầu mối liên lạc về sở hữu trí tuệ, cơ quan chủ trì gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với nội dung liên quan tới sở hữu công nghiệp); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với các nội dung liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đối với nội dung liên quan tới giống cây trồng).../.