'Hồi sinh' cùng ngành hàng không, Taseco Airs (AST) thoát lỗ trong quý III

Trang Mai 07:53 | 18/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam, từng ghi nhận doanh thu cả nghìn tỷ đồng và lợi nhuận 9 chữ số, Taseco Airs (AST) từng phải hoạt động cầm chừng trong suốt 2 năm qua do tác động của dịch COVID-19 dẫn đến lỗ ròng 8 quý liên tiếp. Tuy nhiên, sự "hồi sinh" của ngành hàng không và nhất là nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp cuối năm sẽ giúp AST có cơ hội "sống lại".

Bứt phá trong quý III sau 2 năm lỗ ròng

Sau 2 năm lao đao vì dịch bệnh, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST) đang dần hồi phục. Quý III/2022, doanh thu thuần của Taseco Air tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 185 tỷ đồng. Công ty không còn lâm vào cảnh kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp đạt 98 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 53%.

Trong quý, doanh thu tài chính tăng 56%, đạt 2,5 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm còn 782 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí vận hành doanh nghiệp tăng khá mạnh: chi phí bán hàng tăng 2,7 lần lên 50 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2 lần lên 33 tỷ đồng. Dù vậy, AST vẫn có 17,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ 43,5 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của AST tăng 3 lần so với 9 tháng 2021, đạt 387 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 8 lần lên 201 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng, vượt trội so với khoản lỗ 110 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Sau thuế, AST thu lãi ròng 8,5 tỷ đồng trong 9 tháng

 

Trong suốt 2 năm 2020 và 2021, công ty chịu lỗ trước thuế lần lượt 49 tỷ đồng và 128 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 lỗ trước thuế 7 tỷ đồng. Như vậy, dù mới hoàn thành 42,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, thế nhưng đây cũng là nỗ lực thoát lỗ đáng ghi nhận của doanh nghiệp. 

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của AST tăng 13% so với đầu năm, đạt 566 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của tài sản là do lượng tiền và tương đương tiền tăng mạnh 88% lên 73 tỷ đồng. Số nợ vay chỉ 45 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở mức chỉ 0,3 lần; các khoản phải thu chỉ chiếm 15% tổng tài sản và lượng tiền, tương đương tiền cùng đầu tư tài chính ngắn hạn (đều là tiền gửi ngân hàng) đạt 198 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản.

 

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy sau 9 tháng, dòng tiền kinh doanh của AST dương 50 tỷ đồng, một phần phản ánh kết quả kinh doanh khởi sắc. Dòng tiền thuần đầu tư dương hơn 13 tỷ đồng do công ty thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của các đơn vị khác. Dòng tiền thuần tài chính dương 433 triệu đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 64 tỷ đồng đã giúp lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng đáng kể, qua đó đóng góp vào tổng tài sản.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát do lãi ròng âm 2 năm liên tiếp, mới đây, AST đã giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục. Phía Công ty cho biết đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra, kết quả kinh doanh của AST đã được cải thiện rõ rệt. Theo dự báo, thị trường quốc tế sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm. Do vậy, kết quả kinh doanh quý IV năm nay của AST sẽ tích cực, khởi sắc hơn nữa.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra như: chủ động làm việc với các Cảng hàng không về phương án khai thác hoạt động kinh doanh tại các nhà ga, cũng như đề xuất và thống nhất các biện pháp hỗ trợ, cắt giảm chi phí ở các điểm kinh doanh tại các nhà ga, sân bay trong toàn hệ thống; tiết kiệm các chi phí hoạt động, đảm bảo cân đối dòng tiền, nâng cao hiệu quả quản trị…

Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ năm 2023

Với tiềm lực tài chính mạnh, AST sẽ nâng tổng số cửa hàng lên 120 trong năm 2022 từ 108 cửa hàng trong 2021. Cùng với việc du lịch quốc tế được cởi trói khi hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách, VNDIRECT kỳ vọng lãi ròng quý IV tiếp tục đà phục hồi và đạt 25 tỷ, giúp lãi ròng 2022 đạt 30 tỷ.

Trong các năm tới, chuyên gia kỳ vọng tổng số cửa hàng có thể tăng trưởng kép 5,3% trong 2022-2025. Lãi ròng có thể đạt 266 tỷ trong năm 2023 nhờ khách quốc tế phục hồi mạnh, sau đó giữ tốc độ tăng trưởng kép 5,8% trong 2 năm tiếp theo. 

 Dự phóng số lượng cửa hàng của AST theo phân khúc đến năm 2025. 

Tuy nhiên, dự báo cũng cho rằng hoạt động kinh doanh của AST có thể sẽ gặp những khó khăn do bất ổn từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc ảnh hưởng sự phục hồi hàng không quốc tế cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ cửa hàng miễn thuế ở thành phố. Ví dụ tiêu biểu là Lotte PK Duty Free, một công ty lớn trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng miễn thuế, đặt mục tiêu mở ba cửa hàng miễn thuế ở trung tâm thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Dù công ty đã hoãn việc mở rộng này do Covid-19, VNDIRECT cho rằng Lotte có thể tiếp tục kế hoạch này trong thời gian tới nhờ sự phục hồi của du lịch nước ngoài.