Cảng Hàng không Việt Nam (ACV): Lãi ròng 9 tháng gấp 30 lần cùng kỳ
Lãi ròng 9 tháng gấp 30 lần cùng kỳ 2021
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III, ACV ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.188 tỷ đồng, tăng hơn 1.028%, tương đương 3.817 tỷ đồng so với cùng kỳ quý trước. Giá vốn tăng 32% lên 1.810 tỷ đồng. Nhờ hoạt động cốt lõi phục hồi mạnh, ACV ghi nhận 2.380 tỷ đồng lợi nhuận gộp so với 1.004 tỷ đồng lỗ gộp quý III năm trước. Biên lãi gộp đạt 57%, tăng nhẹ so với mức 52,5% trong quý III/2019 (thời điểm trước dịch).
Đáng nói, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 97% lên 959,7 tỷ đồng, chủ yếu do tăng mạnh lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Sau thuế, doanh nghiệp báo lãi 2.398 tỷ đồng so với lỗ ròng 767 tỷ trong cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có khoản thu tài chính bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi trong quý III vẫn tăng mạnh 44% so với quý trước, cho thấy tình kinh doanh đang trên đà hồi phục.
Trong 9 tháng, ACV thu về doanh thu thuần 9.725 tỷ đồng, tăng 156% và lãi ròng cũng tăng 30 lần so với cùng kỳ, đạt 5.840 tỷ đồng.
Theo giải trình, ACV cho biết doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng chủ yếu do thị trường hàng không dần hồi phục trong năm 2022 và các chính sách giá dịch vụ của ACV hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 dần quay trở về mức bình thường.
Hơn 33.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi
Tổng tài sản tính đến 30/9 ghi nhận 58.456 tỷ đồng, tăng 6,3% từ đầu năm. Trong đó gần 69% là tài sản ngắn hạn. Tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 33.341 tỷ đồng, tương đương 57% tổng tài sản; bao gồm: 1.461 tỷ đồng tiền mặt, 31.880 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 70% lên 6.236 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 361 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên, vật liệu.
ACV ghi nhận 11.799 tỷ đồng tài sản cố định; 3.254 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, bao gồm hàng loạt công trình xây dựng cơ bản và mở rộng; 2.757 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.
Về nghĩa vụ nợ, tính đến cuối quý III, ACV ghi nhận 15.726 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 11.363 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 42.730 tỷ đồng, tăng 13%.
Kết quả kinh doanh tươi sáng cũng được phản ánh trong phần lưu chuyển tiền tệ. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận dương 2.017 tỷ đồng so với âm 774 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Dòng tiền đầu tư âm 786 tỷ đồng do doanh nghiệp chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định; cho vay, mua lại các công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền tài chính âm 362 tỷ đồng do ACV trả nợ gốc vay. Trong kỳ, dòng tiền thuần ghi nhận 869 tỷ đồng, tăng 218%.
Triển vọng du lịch tươi sáng đi kèm sức ép từ lãi suất và tỷ giá
Theo VNDirect, du lịch quốc tế sẽ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp thời gian tới. Sự phục hồi của du lịch nước ngoài của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yêu cầu nhập cảnh của các nước. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến kiểm soát Covid-19, tuy nhiên, yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là chính sách zero-covid của Trung Quốc, khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt.
Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế, điển hình như Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ. Sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III năm nay và phục hồi bằng 49,8% trước dịch. Trong kịch bản cơ sở, các chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý II năm sau. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 105,3% trong quý IV giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023. Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% trong 2022 (tăng 30,9% so với mức 2019) và tăng trưởng kép 8,9% giai đoạn 2023-2025.
Tuy nhiên, lãi suất tăng cùng đồng USD mạnh sẽ ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng hàng không. Áp lực tỷ giá USD/VND, khiến tỷ giá USD/VND trong liên ngân hàng chạm mức cao nhất trong lịch sử. Lãi suất LIBOR 3 tháng tính bằng USD cũng đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm sau khi FED tăng lãi suất gần đây. Tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng sẽ gây ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới. Tiêu biểu khoản vay 2,5 tỷ USD của ACV cho siêu dự án Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, VNDIRECT viện dẫn.