Lỗ ròng 8 quý, liệu AST có 'hồi sinh' cùng ngành hàng không?

Trang Mai 11:41 | 26/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở hữu hàng loạt cửa hàng bán lẻ tại sân bay lớn nhất Việt Nam, liệu Công ty CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (mã: AST) có hồi phục sau 8 quý lỗ ròng liên tiếp vì COVID-19?

Hai năm Đại dịch hoành hành, du lịch là một trong số những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Lệnh phong toả, hạn chế đi lại khiến toàn ngành bị đóng băng trong một thời gian dài, kéo theo đó là các cửa hàng dịch vụ tại sân bay cũng phải đóng cửa. 

AST là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với hơn 100 cửa hàng đặt tại các sân bay lớn, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty còn sở hữu khách sạn 4 sao tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.  

Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2020, Công ty chỉ ghi nhận doanh thu thuần hơn 359 tỉ đồng, giảm hơn 68% so với năm 2019. Thậm chí AST đã bị HoSE lưu ý về việc có khả năng bị huỷ niêm yết do đã có 2 năm 2020-2021 thua lỗ. Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng là số âm. Tuy nhiên, số tiền lỗ đã giảm đi đáng kể.

 

Doanh thu 6 tháng 2022 của AST đạt 202 tỷ đồng, tăng tới 85,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng chỉ còn lỗ 7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 66,9 tỷ đồng cùng kỳ. Trong quý II, khi các hãng hàng không được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc các chính sách phòng chống Covid-19 được dỡ bỏ, AST đã lần đầu ghi nhận lợi nhuận ròng dương 16,6 tỷ, tăng 51,6 tỷ đồng từ con số lỗ 35 tỷ đồng cùng kỳ.

Tuy nhiên mảng bán lẻ cho khách quốc tế, vốn mang lại biên lợi nhuận cao hơn từ 10%-15% so với mảng nội địa, vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng 2022 chỉ đạt 1,4 triệu lượt, giảm 87% so với mức trước đại dịch 2019.

 

Theo VNDIRECT dự phóng 2022-2023: Năm 2022 khách nội địa quay lại vượt kỳ vọng nhưng lượng khách quốc tế hồi phục chậm hơn dự kiến. Tính chung 8 tháng 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022 của Tổng Cục Du lịch cho khách nội địa năm 2022.

Ngược lại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ chỉ đạt 1,4 triệu lượt, giảm 87% so với thời điểm trước dịch 2019. Các chuyên gia do rằng vẫn có nhiều yếu tố chủ quan như: chưa phải mùa cao điểm du lịch của các nước bắc bán cầu, thời hạn thị thực ngắn cộng hưởng với các yếu tố khách quan như nhiều nước chưa mở cửa lại mảng du lịch hay lạm phát tăng cao đã khiến lượng khách quốc tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

2023 - 2024, chuyên gia dự phóng khách du lịch nội địa vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, lần lượt đạt 138,1 triệu lượt (tăng 30% cùng kỳ) và 158,8 triệu lượt (tăng 15% cùng kỳ). Dự phóng lượng khách hàng không quốc tế sẽ hồi phục chậm hơn, lần lượt đạt 10,5 triệu lượt (tăng 320% cùng kỳ) cho năm 2023F và 33.6 triệu lượt (+220% CK) cho năm 2024F, vượt qua mức kỷ lục 116,4 triệu lượt năm 2019.

Cùng với đà tăng trưởng, cũng như khi nhu cầu đi lại tăng cao, các biện pháp phòng dịch cũng dần được gỡ bỏ sẽ giúp doanh thu của AST tăng trưởng trở lại. VNDIRECT dự phóng doanh thu của Công ty trong năm nay là 686 tỷ đồng, tăng mạnh 345% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng thu về 48 tỷ đồng. 

Còn theo các chuyên gia từSSI Research, dù hoạt động kinh doanh hàng không có nhiều khởi sắc và sẽ còn phát triển trong thời gian tới nhưng các công ty dịch vụ sân bay nói chung và AST nói riêng vẫn phải lưu tâm đến thị trường quốc tế, vì hành khách quốc tế thường mang lại đa số doanh thu và lợi nhuận.

 Dự báo lượt hành khách hàng không - Nguồn: SSI Research 

Cũng theo SSI Research, những khó khăn vẫn tồn tại trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, liên quan đến một số yếu tố rủi ro như chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc bởi lượng khách Trung Quốc thường chiếm 30% lượng khách du lịch của Việt Nam, nên việc thực thi chính sách “Zero COVID của Trung Quốc kéo dài sẽ tiếp tục gây áp lực lên ngành du lịch Việt Nam cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết thúc phiên sáng 26/9, cổ phiếu AST được giao dịch ở mức 56.200 đồng/cp.