Hội thảo về quản trị doanh nghiệp: Tăng trưởng xanh và tái cấu trúc thời Covid
Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” nhằm tạo diễn đàn liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với cộng đồng doanh nghiệp.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) vừa phối hợp cùng với Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Thương mại tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” nhằm tạo diễn đàn liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với cộng đồng các doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn về quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.
Hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid”
Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị đồng tổ chức, đại diện các sở/ban ngành trên địa bàn tỉnh như Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thuế tỉnh Bình Định, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định, các chuyên gia tư vấn, giảng viên các trường đại học và đặc biệt là sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chương trình có sự đồng hành của các đơn vị: Công ty Cổ phần tư vấn và cung ứng nguồn lực trẻ ACTAX , Công ty Cổ phần Hồng Hà Bình Định (HONGHA FEED)
Phát biểu đề dẫn tại Phiên tư vấn doanh nghiệp của Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đại diện Ban Tổ chức đã nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành và thực hiện đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế Thế giới, làm thay đổi cả xu hướng sản xuất, tiêu dùng của các quốc gia. Với Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản xuất đang là vấn đề mang tính thời sự và cấp thiết.
Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đã dần trở lại trạng thái “ổn định và bình thường mới” song nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, vốn cho hoạt động kinh doanh, tuyển dụng nhân sự quay lại làm việc, thị trường tiêu thụ, ….
Điều này cho thấy, qua cuộc khủng hoảng lần này, một trong những vấn đề bức thiết đặt ra là các doanh nghiệp cần phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc, từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý đến văn hóa doanh nghiệp. Bởi vì, thực tế có nhiều chủ doanh nghiệp lo chạy theo những đơn hàng, những sự vụ công việc hàng ngày mà không để ý tới việc xây dựng hệ thống quản trị, nên khi xảy ra những biến cố thì doanh nghiệp rất khó để để chuyển mình thích ứng nhanh với hoàn cảnh khó khăn hay bối cảnh kinh doanh mới, …
Vì vậy, Phiên tư vấn doanh nghiệp diễn ra trong chuỗi sự kiện của Hội thảo nhằm đóng góp các nghiên cứu để giải quyết các vấn đề thời sự trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong tái cấu trúc, tăng cường quản trị và phát triển doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững hậu Covid-19; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính của các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và hướng tới ứng dụng triển khai thực tế vào doanh nghiệp.
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tiếp theo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên đoàn chủ trì cũng nhất mạnh đến tính cấp thiết của Hội thảo trong bối cảnh các nước đã và đang nhận diện cần chuyển đổi phát triển từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” và coi đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; và đề xuất cần có sự liên kết mạnh hơn nữa giữa các trường, các nhà khoa học với cộng đồng các doanh nghiệp để bổ trợ lẫn nhau nhằm thúc đẩy phát triển và tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững nhằm cùng nhau phát triển một nền kinh tế phải xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Trao đổi về đổi với và sáng tạo trong quản trị nội bộ nhằm nâng cao năng suất và tiềm lực cho doanh nghiệp hậu covid 19, TS. Nguyễn Văn Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty Picenza Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới tư duy lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, đổi mới cách quản trị, đặc biệt là cách xây dựng hệ thống nội quy, quy chế quản lý, điều hành đồng bộ, phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Lê Phương – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định và bà Nguyễn Thị Mộng Duyên - Công ty Cổ phần Hồng Hà Bình Định đã đề nghị các chuyên gia cần tư vấn Chính phủ, chính quyền các địa phương để đưa ra các chính sách phù hợp, dễ hiểu, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và áp dụng, nhất là các gói hỗ trợ doanh nghiệp; các chuyên gia cần tư vấn sâu hơn về các giải pháp để thu hút khách hàng và tạo động lực cho nhân viên trong bối cảnh Covid vẫn có nguy cơ tái phát và có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh…
Tại Phiên thứ hai của Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đại diện Ban Tổ chức đã nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, đồng thời, cũng là để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tái cấu trúc và tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị.
Minh Hoa