Hơn 24 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới 2019-2020
20:49 | 05/09/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 5/9, hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước khai giảng năm học mới 2019-2020.
Theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, trong năm học 2019-2020 cả nước có khoảng 5.517.000 trẻ mầm non, 8.660.000 học sinh tiểu học, 5.550.000 học sinh trung học cơ sở và 2.599.000 học sinh trung học phổ thông. Riêng đại học chính quy có 1.518.986 sinh viên.
Trong bức thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm học mới 2019-2020, ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu của năm học và kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Trước lễ khai giảng, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT nêu rõ chương trình khai giảng sẽ có các nghi thức: Đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Đặc biệt, thực hiện phong trào "nói không với rác thải nhựa", hầu hết các trường học trên cả nước không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng như mọi năm nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức về bảo vệ môi trường. Đồng thời, nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đa số các trường thực hiện việc giáo viên, học sinh hát Quốc ca, không sử dụng băng hát sẵn; chú trọng phần đón học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10).
Năm học mới, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục – đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng.
Giáo dục phổ thông tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Giáo dục đại học tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.
Giáo dục thường xuyên nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.