Hơn 600 người dân thiệt mạng, Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt quân đội Myanmar

13:25 | 09/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra đảo chính đã có hơn 600 người dân Myanmar thiệt mạng. Ngày 8/4, Mỹ liệt một công ty mỏ vào danh sách đen nhằm trừng phạt quân đội Myanmar.
Hãng tin trong nước Myanmar Now và Irrawaddy hôm 8/4 đưa tin các cuộc đụng độ tiếp tục nổ ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Những người biểu tình trang bị súng tự chế, dao và bom lửa chống trả quân đội ở thị trấn Taze.
 
Hậu quả là 11 người dân thiệt mạng, 20 người bị thương. Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về thương vong phía quân đội. Ngày 7/4 cũng có ít nhất 12 người thiệt mạng trong một cuộc đụng độ tương tự tại thị trấn Taze.
 
Hơn 600 người dân thiệt mạng, Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt quân đội Myanmar - ảnh 1
Đám đông biểu tình tại thành phố Dawei, Myanmar hôm 8/4. Ảnh: Reuters
 
Một thành viên của Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (Quốc hội liên bang Myanmar) trong ngày 9/4 sẽ phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại New York. Đây sẽ là cuộc thảo luận công khai đầu tiên về Myanmar của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ sau cuộc đảo chính.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính Mỹ hôm 8/4 (giờ địa phương) đã gia tăng lệnh trừng phạt Myanmar. Bộ này đã liệt Công ty Myanmar Gems Enterprise (chịu trách nhiệm khai thác đá quý) vào danh sách đen trừng phạt thương mại, nhằm chặn một trong những nguồn tài chính của chính quyền quân sự nước này.

Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, bà Andrea Gacki nói với hãng tin Reuters rằng, đây là một phần thể hiện cam kết của Bộ Tài chính Mỹ trong việc chặn những nguồn cung cấp tài chính cho chính quyền quân đội, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước của Myanmar.

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng ra thông cáo ủng hộ lệnh trừng phạt mới trên. “Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên các nguồn thu nhập của quân đội cho tới khi chính quyền quân sự dừng những hành động bạo lực, thả toàn bộ những người bị giam giữ trái phép, dỡ bỏ những hạn chế về viễn thông và khôi phục nền dân chủ ở Myanmar”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với hãng thông tấn AP.
 
Theo Reuters, ngày 29/3, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố nước này đã đình chỉ lập tức mọi can dự với Myanmar trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 cho tới khi nào Myanmar khôi phục một chính phủ được bầu một cách dân chủ.
 
Đến nay, các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác đã áp đặt biện pháp trừng phạt lên các tướng lĩnh liên quan đến cuộc đảo chính và một số người thân của họ, cũng như hai tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát.
 
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) Myanmar, số người thiệt mạng tính đến ngày 8/4 đã lên tới 612 người. 2.800 người đang bị giam giữ kể từ sau khi quân đội lật đổ chính quyền bà Aung San Suu Kyi trong cuộc đảo chính hôm 1/2.
 
 
Hà Ly