Hơn một thập kỷ mở rộng của Aeon tại Việt Nam
Aeon là tập đoàn thương mại bán lẻ của Nhật Bản, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện. Tháng 10/2011, Công ty TNHH Aeon Việt Nam chính thức được thành lập tại TP HCM. Sự kiện này là cột mốc quan trọng trong hành trình lấn sân vào thị trường bán lẻ Việt Nam của ông lớn Nhật Bản.
Năm 2014, Aeon chính thức đặt bước chân đầu tư thông qua việc khai trương Aeon Mall Tân Phú (quận Tân Phú, TP HCM). Những năm tiếp theo, công ty liên tục đầu tư thêm nhiều trung tâm thương mại (TTTM) khác tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Aeon mở rộng dấu chân
Sau hơn một thập kỷ hiện diện, tập đoàn đến từ xứ sở mặt trời mọc đã xây dựng và đi vào vận hành 7 TTTM, gồm Aeon Mall Tân Phú Celadon, Aeon Mall Bình Tân (TP HCM); Aeon Mall Bình Dương Canary (tỉnh Bình Dương); Aeon Mall Long Biên, Aeon Mall Hà Đông (TP Hà Nội); Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân (TP Hải Phòng) và mới đây nhất là Aeon Mall Huế (Thừa Thiên Huế).
Tại chương trình làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2023, ông Akio Yoshida, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aeon cho biết, đến nay (tại thời điểm tháng 5/2023) Việt Nam là nước Aeon đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD và thời gian tới sẽ có kế hoạch mở thêm khoảng 20 TTTM tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị và vui chơi giải trí.
Ngoài trung tâm thương mại tại Huế mới đi vào hoạt động, tập đoàn Aeon cũng đang dự kiến khai trương thêm nhiều trung tâm tại các tỉnh, thành khác.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn tất hồ sơ và thủ tục để khởi công dự án TTTM Aeon Mall Thanh Hóa trước ngày 10/10. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng trên tổng diện tích 10,5 ha tại TP Thanh Hóa. Như vậy nếu dự án hoàn thành, đây sẽ là TTTM có quy mô vốn lớn nhất miền Trung (vị trí Aeon Mall Huế đang nắm giữ).
Tập đoàn đến từ Nhật Bản cũng bắt đầu tiến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tháng 5/2024, Aeon cũng đã khởi công TTTM Aeon Tân An tại TP Tân An, tỉnh Long An và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Bên cạnh Aeon Tân An, trong tương lai Aeon cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án Aeon Bến Lức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Còn tại Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị 1/500 TTTM Aeon Mall Biên Hòa tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa với quy mô gần 12 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Ngoài dự án vừa được duyệt nhiệm vụ quy hoạch ở phường Hiệp Hòa, tập đoàn Nhật Bản dự kiến mở thêm TTTM thứ hai tại Đồng Nai trong giai đoạn 2026 - 2030.
Chiến lược xây TTTM của Aeon
Theo thống kê 7 TTTM đã đi vào hoạt động của Aeon tại Việt Nam, vốn đầu tư vào mỗi TTTM này dao động 100 triệu USD – 200 triệu USD, trên diện tích khu đất 5 – 10 ha. Trong đó, khu đất có diện tích lớn nhất là Aeon Mall Hà Đông.
Những TTTM này đều nằm trong những mảnh đất rộng và có vị trí đẹp. Vị trí của các khu Aeon Mall thường ở những nơi cách trung tâm đô thị hiện hữu đủ xa để có những mảnh đất rộng, đồng thời đủ gần để cư dân từ trung tâm có thể di chuyển tới mua sắm. Những trí này thường giúp cho Aeon đón đầu xu hướng mở rộng đô thị, tăng dân số ngoại thành tại các đô thị lớn.
Chẳng hạn, tại TP HCM, Aeon Mall Tân Phú Celadon có diện tích 7 ha nằm trong một phần dự án Khu liên hợp Văn hóa Thể thao và Dân cư Tân Thắng, hay còn gọi là Celadon City thuộc quận Tân Phú, TP HCM. Vị trí này cũng rất gần khu công nghiệp Tân Bình cách chưa đầy 3km.
Aeon Mall Tân Phú vẫn nằm trong vùng nội thành, nằm trong khu vực phát triển mới phía tây của thành phố, nhưng đủ xa lõi trung tâm (quận 1, 3, 10,…).
Aeon Mall Bình Tân là đại siêu thị thứ hai của nhà bán lẻ Nhật Bản tại TP HCM, được khởi công xây dựng từ năm 2015. Lần này, Aeon đã bắt tay hợp tác với Tập đoàn Hoa Lâm xây TTTM 4,7 ha trong khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La với tổng diện tích 40 ha. Đây là khu đất được UBND TPHCM cấp phép từ tháng 7/2008 và dự kiến triển khai trong 10 năm.
Tương tự, tại Hà Nội, Aeon đang có hai TTTM đã đi vào hoạt động là Aeon Mall Long Biên và Aen Mall Hà Đông. Trong đó, Aeon Hà Đông được xây dựng trên tổng diện tích 9,5ha, với vốn đầu tư 200 triệu USD, được khởi công vào năm 2018 và khai trương năm 2019.
Vị trí tọa lạc của Aeon Mall Hà Đông thuộc diện tích mà TP Hà Nội trước đây đã giao cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) để xây dựng Bệnh viện quốc tế Hà Đông.
Ban đầu, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bệnh viện Quốc tế Hà Đông tỷ lệ 1/500, đến tháng 6/2008 được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 16,65ha trên địa bàn phường Dương Nội, quy mô 860 giường bệnh, tổng mức đầu tư 4.061 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án này đã gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến đầu tháng 3/2017, BIM Group chính thức ký kết hợp tác Aeon Mall đầu tư một phần khu đất tại phường Dương Nội, quận Hà Đông để phát triển Dự án Aeon Mall Hà Đông như hiện tại.
Ở những khu vực khác, Aeon vẫn có cách thức tương tự khi bắt tay với các tập đoàn nội địa, sử dụng lại một phần đất có sẵn đã được cấp phép của các tập đoàn để rút ngắn thời gian đưa dự án TTTM đi vào hoạt động.
Về tầm nhìn dài hạn, Aeon vẫn nhận định Việt Nam là thị trường trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á để đẩy mạnh đầu tư.
Theo báo cáo tài chính quý I (từ ngày 1/3-31/5) vừa được công bố, nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản ghi nhận doanh thu hoạt động tại thị trường Việt Nam đạt hơn 4 tỷ yen, tương đương hơn 640 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, "ông lớn" bán lẻ Nhật Bản này thu khoảng 7 tỷ đồng tại Việt Nam.
Lợi nhuận hoạt động đạt hơn 1,3 tỷ yên, tương đương hơn 210 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết đây là mức doanh thu và lợi nhuận hoạt động cao nhất trong số các quốc gia ASEAN và cao thứ hai ở thị trường nước ngoài, chỉ sau Trung Quốc.