ICT Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 2 - 2,5 lần tốc độ GDP cả nước
Phát triển vượt bậc, ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông ICT Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 2 - 2,5 lần tốc độ GDP cả nước vào năm 2030.
Vươn lên thành ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và thế giới
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho biết, giai đoạn 5 năm 2016-2020, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart
Riêng năm 2020, doanh thu công nghiệp ICT đạt 120 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD; công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD; công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD…
Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu của ngành (là 10%); công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm; công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông tăng trưởng 20,24%/năm; công nghiệp nội dung số tăng trưởng 7,47%/năm. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt hơn 93 triệu USD.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ hai về sản xuất điện thoại và linh kiện; thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đến nay đã hình thành những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có thương hiệu trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp đã chú trọng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, giải pháp mới dựa trên công nghệ 4.0.
Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, giai đoạn 2020-2025 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết: Để hoàn thành tốt các công việc được giao trong thời gian qua, Vụ CNTT đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy nhanh các công việc nóng, phát động phong trào đảm bảo tiến độ chất lượng, áp dụng ISO trong công việc của cán bộ, công chức, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Vụ cũng đẩy mạnh thi đua hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ chỉ tiêu, chương trình, dự án đã được giao để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam và tham gia xếp hạng đánh giá các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thông qua Chỉ số Vietnam ICT Index và chỉ số phát triển công nghiệp ICT hàng năm.
"Vụ đã góp phần trong việc thúc đẩy ngành ICT Việt Nam để trở thành một ngành kinh tế số quan trọng của đất nước".
ICT Việt Nam đã phát triển và có những thành vượt bậc trong 5 năm qua
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã phát triển và có những thành vượt bậc trong 5 năm vừa qua, đã trở thành 1 ngành có quy mô lớn cho cả nền kinh tế cả về doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước và đóng góp cho GDP.
Đặc biệt từ năm 2015, ICT đã vươn lên trở thành một ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như của thế giới. Hai mặt hàng của ngành là điện thoại và máy tính đã đứng vị trí thứ 1, thứ 3 trong năm 2019 và trong 9 tháng đầu năm 2020 đã vươn lên vị trí thứ 1, thứ 2 trong các ngành xuất khẩu dẫn đầu Việt Nam. Hai mặt hàng này cũng giữ vị trí top 2, top 10 trên thế giới trong năm 2019.
Chủ trương Make in Vietnam
Nâng tầm doanh nghiệp ICT Việt Nam đẳng cấp thế giới là chủ trương mà Bộ TT&TT đẩy mạnh trong thời gian tới với việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chủ trương Make in Vietnam, làm chủ được công nghệ, phát triển và sản xuất các sản phẩm ICT Make in Vietnam; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số; phát triển hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số với hạ tầng công nghệ số thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo lập thị trường.
Bộ sẽ triển khai chương trình phát triển công nghiệp CNTT điện tử - Viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó, lĩnh vực công nghiệp ICT chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp từ 2 - 2,5 lần tốc độ GDP của cả nước. Ngành công nghiệp ICT đi đầu trong cuộc CMCN 4.0, có thương hiệu quốc gia cao trên thị trường quốc tế.
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các Hội, Hiệp hội tổ chức đánh giá, xếp hạng các Bộ, ngành, doanh nghiệp để phát triển công nghiệp ICT; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các giải thưởng liên quan đến công nghiệp ICT trong nước cũng như trên thế giới, tiến tới doanh nghiệp công nghệ ICT Việt Nam nâng tầm đẳng cấp thế giới.
Minh Hoa
Xem thêm: Nhân lực ngành CNTT chưa đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0