Jollibee: “Chú ong” Philippines bay khắp thế giới
Khởi đầu từ một tiệm kem
Jollibee ban đầu là một tiệm kem nhỏ do Tony Tan Caktiong và gia đình ông quản lý. Năm 1978, Tony cùng anh chị em của mình tìm sự giúp đỡ từ một nhà quản lý có tên Manuel C. Lumba, vị này đã khuyên họ chuyển từ kinh doanh kem sang xúc xích sau khi nghiên cứu thấy thị trường của mặt hàng này đang rất rộng mở.
Cái tên “Jollibee” do Lumba đặt, thể hiện cho tinh thần của người dân Philippines chăm chỉ, lạc quan và quan trọng nhất là luôn vui vẻ. Biểu tượng của cửa hàng được lấy cảm hứng từ chuột Mickey của hãng Disney. Lumba đã tạo ra một con ong và thêm mũ của một đầu bếp để đại diện cho thực phẩm chất lượng, một chiếc áo khoác màu đỏ với áo vest và găng tay màu trắng giống như hình ảnh của các nhân vật Disney quen thuộc. Mặc dù trong tên của Jollibee có sai lỗi chính tả nhưng cuối cùng nó vẫn trở thành một trong những cái tên đáng nhớ nhất trong văn hóa Philippines.
Vào năm 1981, trước sự có mặt của McDonald's tại Philippines, “chú ong” vẫn khẳng định được vị trí của mình bằng cách sử dụng các công thức nấu ăn phù hợp với vị giác của người dân địa phương cũng như chiến lược quảng bá các giá trị của Philippines. Những giá trị này bao gồm tôn trọng người cao tuổi, lòng yêu nước và tình yêu gia đình. Nó thực sự trở thành câu chuyện về cách một con ong trẻ và vui vẻ, được cho là kẻ yếu, đã đánh bại một siêu sao như McDonald's. Kể từ năm 1991, Jollibee mở hàng trăm cửa hàng trên khắp đất nước Philippines, cột mốc đầu tiên đánh dấu sự phổ biến của Jollibee là cửa hàng thứ 100 được mở tại Davao năm 1991, sau đó là cửa hàng thứ 900 tại Palo, Leyte, vào năm 2015.
Năm 1996, Jollibee đánh dấu bước chân đầu tiên ra quốc tế bằng việc khai trương cửa hàng tại Đài Loan. Một năm sau đó, cửa hàng đầu tiên tại Brunei ra mắt. Năm 1991, Jollibee tiếp tục mở cửa hàng tiếp theo tại Indonesia, nhưng sau đó bị đóng cửa do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Kể từ đó, Jollibee đã liên tục mở rộng chi nhánh sang các nước láng giềng khác, thậm chí đến các khu vực Trung Đông như Saudi Arabia và Qatar.
Vào tháng 6/1998, Jollibee mở cửa hàng đầu tiên tại Bắc Mỹ với chi nhánh được đặt tại thành phố Daly, bang California. Sau đó, họ tiếp tục mở thêm một số cửa hàng ở đây nhưng phải đóng cửa sau vài tháng hoạt động. Mặc dù thất bại tại đây nhưng chuỗi cửa hàng của họ trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng và nhận được nhiều thành công, đặc biệt là tại thị trường Philippines. Thậm chí, Jollibee đã mở một cửa hàng ở Hawaii và sau đó mở chi nhánh thứ ba tại đây vào năm 2014. Vào tháng 12/2016, Jollibee mở cửa hàng đầu tiên ở Canada đánh dấu cửa hàng thứ 35 được mở tại Bắc Mỹ.
Jollibee cũng có kế hoạch mở thêm chi nhánh ở các nước khác. Trong năm 2016, Jollibee công bố kế hoạch trở lại thị trường Malaysia và Indonesia. Jollibee cũng đã được phép mở cửa hàng tại Nhật Bản vào năm 2018.
Hàng loạt thương hiệu lớn bị Jollibee thâu tóm
Năm 1994, Jollibee mua khoảng 80% Greenwich Pizza, và cuối cùng mua phần còn lại trong năm 2006. Sau khi về tay Jollibee, chuỗi pizza địa phương nổi tiếng được mở rộng từ 50 cửa hàng hoạt động lên 330 cửa hàng vào năm 2011.
Năm 2000, công ty mua lại Chowking, một nhà hàng thức ăn nhanh của Trung Quốc. Sau đó vào năm 2004, Jollibee mua lại Yonghe Dawang, một chuỗi thức ăn nhanh của Trung Quốc chuyên về mì, với giá 22,5 triệu đô la. Năm 2005, Jollibee mua lại Red Ribbon, một công ty kinh doanh đồ nướng ở Philippines, và thông qua sự lãnh đạo của Jollibee, nó nhanh chóng trở thành một chuỗi cửa hàng phát triển nhanh.
Vào tháng 10/2010, Jollibee mua lại 70% Mang Inasal, một chuỗi thức ăn nhanh của Philippines chuyên về thịt gà nướng, với giá 68,8 triệu USD. Đúng một năm sau, họ mua 54% BK Titans, Inc., là nhà nhượng quyền duy nhất của Burger King ở Philippines. 4 năm sau đó, Jollibee thông báo họ mua lại Smashburger, một chuỗi nhà hàng burger bình dân kiểu Mỹ, với giá 335 triệu USD. Vào tháng 1/2016, công ty thông báo sẽ hợp tác với Dunkin 'Donuts để liên doanh đưa 1.400 cửa hàng sang Trung Quốc trong vòng 20 năm tới.
Thực đơn của Jollibee khá đa dạng bao gồm các món chính là Yum! Burger, Chickenjoy, Burger Steak, Champ, Jolly Crispy Fries, Peach Mango Pie. Ngoài những món chính, họ cũng phục vụ các món ăn tiêu chuẩn khác như spaghetti, sundaes, kem, bánh kếp và một số món ăn thường thấy trong các nhà hàng đồ ăn nhanh khác.
Jollibee đã tạo nên tiếng vang lớn trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh. Họ giành được nhiều giải thưởng và được bình chọn là một trong những công ty được ưa chuộng nhất châu Á. Thương hiệu này cũng đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng, dù yếu thế và còn non trẻ nhưng có thể đánh bại được những tên tuổi lớn trên thế giới bằng cách giữ vững những điểm mạnh và tạo ra giá trị riêng biệt.
Ngoài hoạt động kinh doanh, công ty cũng đã thành lập Quỹ Jollibee để giúp đỡ người dân địa phương, hỗ trợ giáo dục, hướng dẫn người dân về thực phẩm an toàn…
Bên cạnh đó, Jollibee cũng là một thương hiệu được truyền thông quốc tế săn đón. Nó thường xuyên xuất hiện trong các chương trình truyền hình đình đám. Ngoài ra, Jollibee cũng đã sản xuất và tài trợ chương trình truyền hình cho trẻ em có tên là Jollitown. Chương trình ra mắt để quảng bá cho sinh nhật lần thứ 30 của Jollibee. Số cuối cùng của chương trình được phát sóng vào ngày 12/10/2013.