Khách Hàn - Trung tăng mạnh giúp ngành du lịch trở lại 'quỹ đạo'
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 giảm 6,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 5 tháng đầu năm với hơn 1,3 triệu lượt, Trung Quốc đứng thứ 2 với 399 nghìn lượt, tiếp đó là Mỹ đạt 307 nghìn lượt.
Thống kê cho thấy, Đông Bắc Á chiếm 4 trên 10 thị trường hàng đầu về lượng du khách vào nước ta gồm Hàn Quốc (1,318 triệu lượt), Trung Quốc (399 nghìn lượt), Đài Loan (252 nghìn lượt), Nhật Bản (204 nghìn lượt). Đông Nam Á có 3 thị trường gồm Thái Lan (236 nghìn lượt); Malaysia (192 nghìn lượt); Campuchia (167 nghìn lượt). Úc và Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 9, 10 (158 nghìn lượt và 141 nghìn lượt).
Ở châu Âu, Anh (113,8 nghìn lượt), Pháp (95,8 nghìn lượt) và Đức (89,2 nghìn lượt) là các thị trường gửi khách lớn nhất xét riêng khu vực. Thị trường Nga đạt 54 nghìn lượt sau 5 tháng đầu năm.
Về tốc độ tăng trưởng, trong tháng 5, mặc dù Indonesia đạt mức tăng trưởng cao nhất là 64%, tương đương hơn 10 nghìn lượt khách, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với lượng khách của Trung Quốc (146 nghìn lượt) và Hàn Quốc (247 nghìn lượt). Như vậy, dù Trung Quốc có tốc độ tăng cao thứ 2 với 31,1%, đây vẫn được xem là mức tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, lượng khách từ Hàn Quốc giảm nhẹ 4,6%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, du khách Hàn đến Việt Nam trong quý I vừa qua đạt mức cao nhất. Cụ thể, hơn 810 nghìn lượt khách đến Việt Nam trong ba tháng đầu năm, tăng 55% so với cùng kỳ 2022 và bằng 81% mức trước đại dịch, đã giúp Hàn Quốc trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất của nước ta.
Lý giải cho sự "bùng nổ" này, theo báo Korea Joongang Daily, lượng đặt tour trọn gói ở nước ngoài đang gia tăng và Việt Nam là điểm đến du lịch số một được du khách Hàn Quốc lựa chọn, theo sau là Nhật Bản và Philippines.
Hana Tour, công ty lữ hành lớn nhất Hàn Quốc, cũng cho biết nhu cầu du lịch nước ngoài của người Hàn chủ yếu là khu vực Đông Nam Á. Tính theo khu vực, tỷ lệ đặt tour đến Việt Nam chiếm 26,2% và cứ bốn người Hàn Quốc có nhu cầu đi du lịch nước ngoài thì có một người lựa chọn Việt Nam.
Tờ The Korea Herald cũng nhận định, yếu tố khiến số lượng lớn người Hàn Quốc đến Việt Nam là xu hướng du lịch mới - "du lịch dài hạn" với kỳ nghỉ dài với nhịp độ chậm, giống đi nghỉ dưỡng. Cụ thể, những người lớn tuổi hoặc các gia đình Hàn Quốc sẽ lựa chọn Đà Nẵng hay Phú Quốc cho kỳ nghỉ. Trong khi đó, giới trẻ lại thích đến Nha Trang du lịch.
Tuy nhiên, trước Covid-19, Trung Quốc là thị trường lớn nhất khi chiếm hơn 30% lượng khách ghé thăm. Dù vậy trong năm nay, tệp khách này vẫn còn "nhỏ giọt". Phó chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Minh Sang từng chia sẻ, sau mốc 15/3, khi khách Trung được phép sang Việt Nam du lịch theo đoàn, doanh nghiệp hai bên mới bắt đầu xúc tiến, trao đổi thông tin và gom khách.
Về thị trường Trung Quốc, theo báo cáo tháng 4/2023 từ Tổng cục thống kê, Việt Nam đón hơn 112 nghìn lượt khách đến từ Trung Quốc, tăng gấp đôi so với tháng 3 đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong dự báo hồi cuối tháng 3, đánh giá về triển vọng khách du lịch Trung Quốc, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng xu hướng phục hồi của khách Trung Quốc đến Việt Nam là tất yếu trong năm nay, được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.
Cụ thể, kịch bản cơ sở của VDSC ước tính lượng khách du lịch Trung Quốc có thể đạt 20% so với mức của năm 2019, đạt 1 triệu du khách vào năm 2023, thấp hơn một chút so với tốc độ phục hồi của lượng khách du lịch Hàn Quốc vào năm 2022 do sự khác biệt trong chính sách miễn thị thực.
Theo phân tích ngày 29/5 từ Tổng cục Du lịch, "nhìn chung, Việt Nam đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế nên dễ hiểu khi tổng lượng khách quốc tế giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, đáng chú ý, thị trường Trung Quốc tiếp tục có sự phục hồi tích cực. Về tốc độ tăng trưởng đạt tăng 31% so với tháng trước, về quy mô thị trường, Trung Quốc đã vươn lên ở vị trí thứ 2. Đây là tín hiệu tích cực ban đầu, tạo cơ sở cho khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm."
Xét toàn ngành du lịch, cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng qua, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm đạt 268,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%; du lịch lữ hành đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ.
Tổng cục Du lịch dự đoán ngành du lịch có khả năng sẽ "về đích sớm" với mục tiêu 8 triệu khách quốc tế. Kết quả có được nhờ động lực tăng trưởng ở mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm, chính sách tạo thuận lợi cho du lịch sắp tới.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, lượng tìm kiếm về lưu trú du lịch Việt Nam đang tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới.
Từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với báo chí, truyền thông nước ngoài, góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Theo đó, Cát Bà (Hải Phòng) đứng thứ 2 trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á vừa được chuyên trang về du lịch của Microsoft đề xuất. Ninh Bình được tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới năm 2023; chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đề xuất là 1 trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023.
Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet cũng vừa gọi tên tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới, khởi hành từ thủ đô Hà Nội và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh với quãng đường khoảng 1.730km. Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas liên tục tôn vinh nhiều món ăn Việt Nam trong các danh sách món ngon của thế giới,…