Khách hàng hiến kế giảm nạn 'bia kèm lạc' khi mua ô tô

Đông Bắc 19:00 | 20/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau loạt bài viết được đăng tải trên Tạp chí Doanhnhanvn.vn, rất nhiều ý kiến phản hồi từ các độc giả. Đa phần là khách hàng đã từng mua xe và cũng có những nạn nhân của hiện trạng “bia kèm lạc”. Từ đây, nhiều khách hàng bày tỏ những bức xúc cũng như gợi ý những giải pháp để người mua không dính “bẫy” của các đại lý ô tô.

Như Tạp chí điện tử Doanh Nhân Việt Nam đã đưa, hiện tại hầu hết những mẫu ô tô bán ra tại Việt Nam đều 'gợi ý' khách hàng mua thêm phụ kiện để có thể nhận xe sớm.

Thực trạng đáng lo này không còn là riêng vấn đề của một hãng xe nào, mà có thể xảy ra ở bất cứ đại lý nào, miễn là mẫu xe đó được khách hàng quan tâm. 

Trong những năm qua, phần lớn khách hàng than phiền về tình trạng chèn ép này chỉ dừng lại ở những lời nói. Sau đó, họ vẫn chấp nhận bỏ thêm tiền để mang xe về. Đó là lý do mà tình trạng này vẫn tồn tại trong thời gian dài tại các đại lý.

Sau loạt bài viết được đăng tải trên Tạp chí Doanhnhanvn.vn, rất nhiều ý kiến phản hồi từ các độc giả và họ đa phần là khách hàng đã từng mua xe và cũng có những nạn nhân của hiện trạng “bia kèm lạc”. Từ đây, nhiều khách hàng bày tỏ những bức xúc cũng như gợi ý những giải pháp để người mua không dính “bẫy” của các đại lý ô tô.

Trước thực trạng "bia kèm lạc" phố biến như hiện nay, bạn Trường Giang nêu quan điểm: "Em mua xe lần đầu 2019 đợt đó mới được giảm thuế nên đâu cũng phải thêm lạc, em ký đặt và đợi xe khi nào có xe thì lấy (giảm được thuế - mất lạc thì như nhau) sau 3,5 tháng thì nhận xe. Lần 2 thì chọn đúng xe ế nhất để mua hãng giảm 300 triệu, tặng dán kính, trải sàn, thêm bảo hành, xe giao ngay. Quan trọng là dám đi ngược đám đông tý sẽ nhàn hơn".

Còn bạn Nguyễn Việt Dũng chia sẻ: "Tôi nghĩ giải quyết không khó. Các hãng làm 1 phần mềm khi khách hàng đặt cọc xe sẽ được nhận 1 mã code nhận xe được lưu trên phần mềm tổng và mã code này sẽ được update thường xuyên trên web của hãng. Như vậy khách hàng có thể check được thông tin công khai còn đại lý cũng khó chèn khách khác vào được".

Còn bạn Tường Văn thì cho rằng: "Quy luật cung cầu. Thị trường tự quyết định như giá vàng, xăng dầu vậy. Giá đề xuất niêm yết là giá thành phẩm tính thêm lợi nhuận. Tuy nhiên thị trường nhu cầu cao thì ai muốn sở hữu phải chịu thêm thôi".

Những mẫu xe nhận được nhiều quan tâm hầu hết đều phải mua kèm phụ kiện mới có thể nhận xe sớm.

Trong khi đó, khách hàng có nick name "Bằng Lăng Tím" bày tỏ: "Người dân tẩy chay các ông nào bán "bia kèm lạc" xem có ai dám làm nữa không. Người mua là người quyết định các ông bán "sống hay chết" mà. Đằng này cứ nhao nhao mua vào. Việt Nam cả núi hãng xe".

Bạn Liberty có cách nhìn khác: "Tâm lý khách hàng cuồng một loại xe nên các đại lý mới được đà nâng giá, cùng phân khúc giá thì các hãng đều có ưu điểm riêng việc gì cứ phải "sống chết" với thương hiệu ấy".

Ở góc độ là người từng làm việc ở đại lý bán xe, anh Quang Đạt chia sẻ: "Trước em có làm sale được gần 2 tháng ở Hyundai, Santafe không phải quá hiếm và thật sự có rất nhiều người hỏi nhưng vì đại lý bên em cộng 20-40 triệu thì không mua nữa. Có khách em chốt chắc rồi nhưng lúc sau họ biết là bên em bán giá chênh lệch cái họ không mua luôn".

Khách hàng Tuấn Anh cho biết: "Trước định mua Tucson. Xong mấy ông sale kêu chênh 200 triệu thì có xe trước tết. Tôi đi về luôn sang KIA bê xe về trước tết luôn. Giờ có đổi xe thì sang Vin. Phục vụ cho đung chất thượng đế".

Một khách hàng có tên Hữu Dũng bày tỏ: "'Lạc' sinh ra do thị hiếu khách hàng, do nguồn cung khan hiếm, do chính sách đại lý tận dụng thời cơ để tối đa hóa lợi nhuận. Thời buổi này có rất nhiều sự lựa chọn, gặp thể loại kèm 'lạc' như này dù có thích bằng giời tôi cũng quay xe chuyển hãng khác ngay lập tức, thậm chí chuyển luôn cả dòng xe khác nếu thấy cần thiết khi đi đâu cũng gặp 'lạc'".

Bạn Nguyễn Văn Minh chia sẻ: "Đối với mình có nhu cầu mua xe nhưng không bao giờ bỏ tiền ngu để cho đại lý hưởng lợi hết. Nguyên nhân bởi: "Đại lý này không mua được thì qua đại lý khác. Hãng này không mua được qua hãng khác mua. Thiếu gì xe để mua, mỗi xe có ưu nhược điểm riêng, miễn sao nó phục vụ tốt cho mình là được rồi. Chính vì thế, khi tôi mua xe, tôi hỏi đại lý khi nào giao được, nếu đáp ứng thì tôi chốt cọc. Và giao kèo trước, nếu không đúng hẹn vui lòng trả cọc. Không thì thôi. Cuối cùng đại lý trả cọc và tôi qua đại lý khác lấy xe. Phải kiên quyết, không nhất thiết phải là người đầu tiên sở hữu xe trên đường. Không ai chạy lại khen hay ngưỡng mộ mình là người có xe đầu tiên khi mình lưu thông trên đường. Bởi thế cho nên, người tiêu dùng hãy bình tĩnh, để cho người bán cần mình và khi họ bán không được họ còn khuyến mãi, giảm giá không sướng hơn so với có xe đi trước 1-2 tháng mà bỏ mấy chục đến cả trăm để mua phụ kiện. Đôi khi số tiền đó không đáng, bởi giá phụ kiện trong đại lý thì không hề rẻ và đôi khi chất lượng thì ...".

Rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa phần khách hàng đều phàn nàn về tình trạng "bia kèm lạc" như hiện nay của một số đại lý.

Khó xử phạt các đại lý ô tô bán "bia kèm lạc"

Trao đổi với PV Tạp chí Doanhnhanvn.vn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law cho biết: Quy định và chế tài xử phạt đối với vấn đề bán ô tô “bia kèm lạc” hiện không phải là không có, tuy nhiên để được xử lý thì còn phụ thuộc vào hành vi trên đang ở mức độ nào, có đầy đủ các yếu tố cần phải xử phạt hay không.

Hiện nay, các đại lý thường không bị xử phạt bởi hãng và đại lý là hai thực thể kinh doanh độc lập; giá xe trên thị trường chịu sự chi phối của quy luật cung-cầu; giao dịch dân sự của hai bên là thuận mua vừa bán, thống nhất ý chí. Nếu khách hàng không đồng ý, khách hàng có thể lựa chọn không mua.

Để xử phạt, vấn đề bán ô tô “bia kèm lạc” phải phát sinh các hành vi như:

- Phía đại lý (bên bán) ép khách mua xe phụ kiện khi mua xe, vi phạm các chính sách giá từ đó ảnh hưởng đến khách hàng.

- Đại lý từ chối bán xe nếu khách hàng không đồng ý chi thêm tiền để mua phụ kiện.

- Đại lý cố tình lắp một số trang bị đã được lắp sẵn vào xe, không thể tháo ra, từ đó khiến cho khách hàng chỉ có thể đồng ý “mua xe kèm phụ kiện” hoặc không.

Khi xuất hiện các hành vi trên hoặc các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các chế tài đặt ra cho bên bán:

- Tại điểm a khoản 3 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định:
“3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng”.

Đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Người có hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng mà có thể bị Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt đến 50.000.000 đồng (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 81 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

- Hoặc bên vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính theo Điểm d Khoản 1 Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây: Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định” nếu như sự thật là hãng không có chủ trương ép khách mua thêm phụ kiện nhưng phía đại lý lại cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law
 

Để khách hàng mua ô tô không phải rơi vào cảnh “bia kèm lạc”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ra 4 giải pháp:

Thứ nhất, các đại lý bán xe ô tô cần xem xét lại về đạo đức kinh doanh, đạo đức bán hàng để tạo nên uy tín cho hãng cũng như cho doanh nghiệp mình. Các đại lý không nên thấy lợi nhuận trước mắt mà có thể mất đi rất nhiều khách hàng trong tương lai.

Thứ hai, các chế tài của các quy định pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý vi phạm hành chính cần phải được tăng tính răn đe, triển khai đồng bộ và rộng rãi hơn nữa. Các cơ quan chức năng khi có đơn tố cáo, trình báo của người dân cần tiến hành ngay lập tức xem xét và đánh giá các hành vi của đại lý xem có đầy đủ các căn cứ để chứng minh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và phải chịu chế tài xử phạt hành chính hay không.

Thứ ba, các phương tiện truyền thông cần đưa tin rộng rãi lên án hành vi bán ô tô “bia kèm lạc” hơn nữa, để từ đó tác động đến đạo đức của người bán, phổ biến rộng rãi về chế tài pháp luật đối với các hành vi trên, làm bàn đạp để các đại lý thay đổi hành vi của mình mà không dám tái phạm hay đưa ra các chính sách tương tự nhằm xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, khách hàng khi đi mua xe cần tỉnh táo để không bị cuốn vào chiêu thức bán hàng bia kèm lạc. Thay vào đó, người mua xe có thể không mua phụ kiện, nhưng phải chấp nhận đợi giao xe lâu, và khách thì không thể biết được liệu mình có phải là “đến trước, phục vụ trước” như hãng phân trần. Lựa chọn khả dĩ hơn, là mua xe khác.

Ngoài ra, người mua xe cũng không nên đổ dồn nhu cầu vào những giai đoạn nhạy cảm như khi xe mới ra mắt, cận Tết… Nếu nhu cầu không cao, đại lý không có cớ bán thêm phụ kiện. Ví như Toyota Fortuner trước đây, mẫu xe nhập Thái từng kênh giá cao điểm hơn 100 triệu đồng lúc ra mắt, nhưng sau đó giảm nhiệt khi nguồn cung tốt hơn, giá về mức niêm yết, thậm chí đại lý tặng thêm phụ kiện để đẩy hàng.