Khai mạc Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam
(DNVN) - Sáng 9/5, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ (DNCN) Việt Nam đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
Đây là sự kiện được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tổ chức nhằm xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đặc biệt, diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều thành viên Chính phủ.
Trước khi bắt đầu diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng quan chức các bộ ngành, địa phương đã trải nghiệm các sản phẩm công nghệ do chính các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, các doanh nghiệp công nghệ ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa rất rộng. Trong đó, bao gồm những công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup), các công ty tư vấn, chuyển giao công nghệ và nhóm các doanh nghiệp truyền thống nhưng có nhiều nguồn lực và muốn chuyển hướng phát triển sang lĩnh vực công nghệ.
Do vậy, các chủ đề chính tại Diễn đàn là Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.
Cùng với hơn 1.000 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách, diễn đàn sẽ thảo luận về thực trạng ứng dụng và phát triển các công nghệ, đồng thời đề xuất các cách làm, giải pháp khả thi nhằm thay đổi thực trạng đó.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm của Việt Nam? Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số, và đặc biệt là sự phát triển mới của nó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các DNCN. Việt Nam cũng là cái nôi để các DNCN Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Make in Vietnam” sẽ là tuyên bố của chúng ta về những công nghệ, sản phẩm công nghệ được sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. DNCN Việt Nam là để “Make in Vietnam”, nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình. “Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. “Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng.
Bô trưởng cũng đặt ra câu hỏi, báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một startup công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng, tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự?
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Những công ty nào áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, thay đổi mô hình kinh doanh thì chính họ sẽ góp phần định hình lại thế giới. Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội.
Chính vì thế mà phát triển DNCN Việt Nam được coi là ưu tiên số 1. Muốn có các DNCN thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là “hộ chi tiêu lớn nhất” của một quốc gia, nếu Chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới chính phủ và xã hội, cũng sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các DNCN số Việt Nam.