Khai mạc kênh đối thoại chính sách của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo
Sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành.
Đặc biệt, Hội nghị quy tụ sự tham dự của hơn 100 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều quỹ lớn trên thế giới như: Softbank Vision Fund, CyberAgent Ventures, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, DT&I, IDG Ventures Vietnam, VinaCapital Ventures... cùng đại diện các tập đoàn quốc tế như Google, Visa, BCG Digital Ventures, One Championship, Lotte...
Bên cạnh đó là các tên tuổi doanh nghiệp khởi nghiệp thành công như Razer; Trusting Social; Wefit; Luxstay; Minet; GOI-IXE; Plasma; Vietnam; mediThank; Vexere; Early Start…
Nhiều tổ chức tham gia trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng hiện diện như: BK Holdings; Vietnam Silicon Valley Acelerator (VSVA); Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Viettnam VIISA, Topica Founders Institute, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa, Viện Công nghệ môi trường, Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học...
Nhận định về sự tham dự đông đảo này, ông Vinnie Lauria, đại diện Quỹ Đầu tư Golden Gate Ventures, đơn vị phối hợp tổ chức Vietnam Venture Summit 2019 cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Hiện quỹ Golden Gate Ventures rất quan tâm đến các startup của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là về nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Diễn đàn Vietnam Venture Summit 2019 là hoạt động kết nối và đối thoại đầu tiên giữa các Quỹ đầu tư lớn quốc tế với Chính phủ Việt Nam. Diễn đàn thực hiện nhiệm vụ cần thiết và có ý nghĩa lớn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015, cùng với đó là 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup...
Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập đoàn Vinacapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…
Ông Dũng cũng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital fund) trên thế giới và trong khu vực. Nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn ra khu vực và thế giới, nhận được đầu tư của nhiều dòng vốn quốc tế. Điển hình như ABIVIN đã trở thành nhà vô địch của cuộc thi World Cup Start-up năm 2019 với giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 start-up. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển”, ông Dũng chia sẻ.
Cần một hệ sinh thái tốt
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Vietnam Venture Summit 2019 là hoạt động thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư, tạo sự lan tỏa về công nghệ để góp phần nâng cao nội lực nền kinh tế. Bởi vậy, phải có cách tiếp cận mang tính chất tầm nhìn.
Cụ thể, muốn cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển được thì phải có một hệ sinh thái tốt.
“Tôi cho rằng, muốn thực hiện cải cách, có 4 trụ cột chính phải đạt được đó là: Nguồn nhân lực; vốn; hạ tầng công nghệ; các bệ đỡ là trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), hiện đang đến giai đoạn cuối cùng, tổng hợp các ý kiến bộ ngành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang thúc đẩy ra đời Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, dự kiến có thể khánh thành vào cuối năm 2020. Về thể chế, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù vượt trội đối với Trung tâm này. Trước mắt cần quy tụ ngay các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học các nước công nghiệp phát triển, đang làm việc ở các tập đoàn, cơ sở nghiên cứu trên thế giới, đó là mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công cuộc cải cách kinh tế, trong dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp tổ chức đào tạo nhiều hơn trong từng lĩnh vực chuyên ngành 4.0, đào tạo bài bản lên tới cấp sau đại học.
Về vốn, ông Dũng cho rằng sự góp mặt các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo toàn cầu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp (đặc biệt về công nghệ) hiện thực hoá các ý tưởng có tính khả thi cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, giúp khơi thông nguồn vốn cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.