Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội cử tri quan tâm

16:54 | 20/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đúng 9 giờ ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội (thủ đô Hà Nội).

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội cử tri quan tâm - ảnh 1
Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 
Trước phiên khai mạc, các lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mặc dù vậy, nhờ tiếp tục phát huy được đà tăng trưởng của năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2019 tiếp tục đạt được những kết quả khả quan.

Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri

Theo báo cáo, từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước. Trong đó, cử tri, nhân dân còn lo lắng về Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vẫn còn tình trạng xả rác thải sinh hoạt, nước thải, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng; phế thải nhựa tràn lan nhiều nơi; tình trạng nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với những vấn đề nêu trên, cử tri, nhân dân còn phản ánh về nhiều vấn đề như: quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Việc tổ chức thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia thiếu tính đồng bộ; chậm tiến độ trong đầu tư công; một số dự án “treo” gây lãng phí;

Việc cơ cấu lại các ngân hàng bị mua bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn còn khó khăn. Thêm vào đó, việc đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Đề xuất một số kiến nghị về giảm bớt thủ tục hành chính

Tại phiên khai mạc, Báo cáo thẩm tra “Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra một số nội dung cơ bản cần phải trú trọng.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề kinh tế-xã hội cử tri quan tâm - ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tại phiên Khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 
Cụ thể, sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang có dấu hiệu chững lại, có một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này. Thêm vào đó, thị trường nội địa còn thiếu vắng các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ tham gia vào tổ hợp sản xuất mới còn rất thấp.

Bên cạnh những vấn đề tồn tại của ngành công nghiệp thì sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi cộng thêm thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm ở một số khu vực có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống. Và, vấn đề muôn thuở tiếp tục được nêu ra là công tác dự báo cung, cầu vẫn còn bất cập.

Trong nền kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục xu thế dịch chuyển với những đóng góp lớn từ khu vực kinh tế tư nhân, xuất hiện nhiều thương hiệu lớn mạnh trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng hành khách quốc tế, hàng không, sân bay, bệnh viện, sản phẩm công nghệ cao...

Tuy nhiên, tình hình đăng ký doanh nghiệp có xu hướng chậm lại. Do đó, ông cho rằng Chính phủ cần tăng cường kiểm tra các bộ, ngành để bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm được cải thiện và chưa đạt kết quả như yêu cầu. Báo cáo của Ủy ban Quốc hội đề cập, việc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới hoạt động nên công tác phối hợp và phân công trách nhiệm với các bộ, ngành chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp.

Năm 2019 có ý nghĩa quan trọng trong việc “bứt phá” để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Do đó, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề xuất một số kiến nghị, trong đó liên quan đến việc giảm bớt thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thực chất và mạnh mẽ hơn đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, nhằm phát triển kinh tế tư nhân, cần khuyến khích khu vực này tham gia đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó là việc đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Để giải quyết các vướng mắc trong khu vực ngân hàng, đề xuất từ Ủy ban Kinh tế cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường sự chủ động và phối hợp trong xử lý nợ xấu đồng thời cần có sự nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Ngoài ra, với tình trạng “tín dụng đen,” báo cáo Ủy ban Kinh tế khuyến nghị, cần có những giải pháp xử lý quyết liệt, đồng bộ và sớm hoàn thiện các chế tài xử phạt cũng như giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện, tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn đồng thời kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.