Khẩn trương rà, soát hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM

16:29 | 19/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6611/VPCP-KGVX gửi UBND TPHCM truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc người dân phản ánh không được cứu trợ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân "thiếu ăn”, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện tại, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành 2 gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn và tiến hành rà soát, lập danh sách người cần hỗ trợ cho gói thứ 3. 

Trước đó, kết luận về phương án hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do COVID-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức hoàn tất việc phê duyệt danh sách trước ngày 20-9, tiền chuyển về địa phương trước 21-9 để kịp thời chi cho người dân khó khăn.

Từ ngày 22-9 đến 4-10, các địa phương sẽ chi gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do dịch.

Trước đó, ngày 15-9, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP có đề xuất số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt 3 là hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là 1 triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỉ đồng.

Tại Nghị quyết 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Chính phủ đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trong đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia; có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”; cách ly, phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất, không được để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa, gắn với xét nghiệm thần tốc, cuốn chiếu theo quy định; đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường, thị trấn, ưu tiên hàng đầu việc điều trị giảm tử vong.

Khuyến khích, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất. Nghiêm cấm việc ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở, ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Chủ động xây dựng phương án phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương sau khi dịch bệnh được kiểm soát theo kịch bản thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19

Chiều 18/9, Sở Y tế đã họp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm thống nhất quan điểm tham mưu với UBND TP HCM về triển khai thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.

Theo đó, quan điểm của Ngành Y tế như sau:

Triển khai thí điểm thẻ xanh Covid-19 trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn TP có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tham gia tiêm chủng vắc xin, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm trong thời gian qua. Do đó, kế hoạch này cần tiếp tục được hoàn thiện để triển khai thí điểm trong giai đoạn sắp tới.

Thẻ xanh Covid-19 được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vắc xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly. Người có thẻ xanh Covid-19 sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng.

Về điều kiện được cấp thẻ xanh, Sở Y tế đề xuất chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin được 2 tuần hoặc F0 có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã thị trấn cấp. Tuy nhiên, người có thẻ xanh Covid-19 không đồng nghĩa với xác nhận sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, do vậy phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm theo quy định.

Về hình thức, Sở Y tế kiến nghị chỉ dùng một thuật ngữ là thẻ xanh Covid-19 và thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp trên ứng dụng Y tế TP.HCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai báo đã tiêm vắc xin, cùng với tích hợp kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. Trên ứng dụng thể hiện rõ đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi. Khởi đầu, sẽ triển khai thí điểm trên địa bàn quận 7 để đánh giá tính hiệu quả trước khi nhân rộng.

Theo kế hoạch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh, từ sau ngày 15/9, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, ưu tiên mở cửa một số ngành hàng, lĩnh vực cần thiết theo lộ trình, cụ thể:

Giai đoạn từ ngày 1/10 – 31/10, thành phố nới lỏng giản cách xã hội, từng bước triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả theo đánh giá mức độ nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine.

Giai đoạn từ 01/11 – 15/1/2022, thành phố tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả và phấn đấu đưa thành phố hoạt động ở trạng thái bình thường mới sau ngày 15/1/2021.

Tuy nhiên, trước mắt, từ 16/9 – 30/9, thành phố sẽ thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội, ưu tiên mở một số lĩnh vực theo lộ trình mở cửa lại hoạt động kinh tế với các địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7… với mức độ nới lỏng, mở cửa từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch của từng ngành, lĩnh vực để từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh những vẫn đảm bảo phòng ngừa, kiểm soát dịch.

Đặc biệt, nghiên cứu, từng bước triển khai thí điểm "thẻ xanh COVID" với nhiều cấp độ và điều kiện riêng.