Dự thảo luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét những vấn đề gì?

10:37 | 19/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc sửa đổi Luật Đất đai đang nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, của cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là người dân.

Hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022

Mới đây, ông Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ký ban hành Quyết định số 1732/QĐ-BTNMT về Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án luật Đất đai sửa đổi để đảm bảo tiến độ việc xây dựng luật.

Theo Kế hoạch, trong tuần thứ tư của tháng 10 năm nay, nội dung dự thảo luật Đất đai sửa đổi được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này và Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022

Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật sửa đổi) sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022.

Nội dung Kế hoạch cũng cho hay cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022 trước 15/4/2022.

Hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kế hoạch yêu cầu thành lập 8 nhóm để giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng dự án luật Đất đai sửa đổi. Các nội dung chủ yếu là chỉ đạo, điều hành chung việc xây dựng dự án luật Đất đai sửa đổi; báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội - môi trường, tác động về giới của dự thảo luật Đất đai sửa đổi…

Trong đó, tập trung vào các nội dung sửa đổi của Luật gồm:

Đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước về đất đai; tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa luật Đất đai với các luật khác có liên quan.

Đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của luật Đất đai và các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đo đạc, lập hồ sơ địa chính; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đất; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai.

Ngoài ra, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nạo, tố cáo, tranh chấp về đất đai; giám sát quản lý và sử dụng đất.

Sửa Luật Đất đai phải đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất

Cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cuối tháng 8 vừa qua, nhằm xem xét những định hướng lớn trong việc sửa đổi Luật Đất đai, tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm của Quốc hội nâng cao chất lượng lập pháp bằng việc vào cuộc từ sớm, từ xa, chủ động đồng hành sát sao với Chính phủ trong nâng cao chất lượng luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất khó, rất chuyên sâu. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Chủ tịch Quốc hội đặt ra một số yêu cầu cần quán triệt xuyên suốt quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp.

“Đặc biệt phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chuyển sang nền hành chính phục vụ hiện đại, lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm về thúc đẩy các giao dịch quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch và lành mạnh, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp; đảm bảo đời sống việc làm cho người bị thu hồi đất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Cơ bản nhất trí với với kế hoạch triển khai tiếp theo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quá trình soạn thảo vừa phải khắc phục tình trạng luật ống, luật khung, vừa khắc phục tình trạng chưa đủ rõ đã chốt cứng trong luật, dẫn tới tuổi thọ luật ngắn.

Với 9 định hướng sửa đổi nội dung của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không xác định “cứng” 9 nội dung này, mà trong quá trình đánh giá thực tiễn có thể xuất hiện nhiều nội dung khác cần chỉnh sửa và sẵn sàng bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nhóm vấn đề cần sửa đổi, tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc.

Lấy ý kiến rộng rãi người dân

Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuối tháng 10/2021. Tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thực hiện xong trước ngày 22/12.

Sau đó sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; Hoàn thiện hồ sơ và trình ra Chính phủ trong tháng 1/2022. Phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến trước ngày 15/4/2022.

Thứ trưởng Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường  Lê Minh Ngân được giao giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc xây dựng đề cương chi tiết dự thảo Luật Đất đai; Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xây dựng tờ trình dự án luật…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa được giao chỉ đạo việc rà soát các luật có liên quan đến Luật Đất đai; Đánh giá tác động các chính sách sửa đổi, bổ sung; Đánh giá thủ tục hành chính, báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thủ tục hành chính về đất đai; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.